Những bất cập trong công tác quản lý an toàn khai thác đá
Hàng chục mỏ đá hiện đang được khai thác trên địa bàn tỉnh ta là nguồn tài nguyên thiên nhiên giá trị đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng trong tỉnh cũng như góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ấy còn đặt ra một vấn đề quan trọng đó là công tác quản lý mỏ đá, an toàn cho người lao động khi tham gia khai thác, sản xuất, chế biến đá và cuộc sống, môi trường sống...
Theo thống kê sơ bộ, hiện trong tỉnh có khoảng trên 60 mỏ đá xây dựng đang được khai thác với tổng trữ lượng khoảng hơn 10 triệu m3. Đặc trưng địa chất ở tỉnh ta là các mỏ đá phân bố gần như đồng đều khắp các địa phương. Nhưng mỏ đá được khai thác tập trung nhiều ở những nơi có nhu cầu đá xây dựng lớn. Địa bàn TP. Buôn Ma Thuột là nơi có nhiều mỏ đá nhất với 13 mỏ trên tổng diện tích 121 ha và quy mô khai thác hơn 600.000 m3/năm. Tiếp theo là huyện Krông Pak 7 mỏ đá. Tuy nhiên, cụm mỏ Buôn Kuôp với sự tham gia khai thác của 4 doanh nghiệp khai thác mới là vùng mỏ đá lớn nhất tỉnh, có thiết kế trữ lượng khai thác trên 3 triệu m3 và cấp phép khai thác trong 30 năm. Nhìn chung các mỏ đá xây dựng trong tỉnh đều có quy mô khai thác trung bình từ 30.000 đến 50.000m3/năm… Có thể nói, với trên 300 ha diện tích đá hiện đang khai thác đã tạo ra tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh ta phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng. Cũng từ nguồn tài nguyên thiên nhiên này, nhiều doanh nghiệp đã tạo sự bứt phá, khẳng định vị thế của mình trên thị trường…
![]() |
Người lao động cần được tập huấn An toàn lao động và tuân thủ quy trình lao động để tự bảo vệ mình. Trong ảnh: Khai thác đá ở mỏ đá Krông Buk. |
Lao động trong nguy cơ tiềm ẩn, mất an toàn...
Tính đến thời điểm này, có hơn 50 doanh nghiệp đang tham gia khai thác, sản xuất, chế biến đá xây dựng với hàng nghìn công nhân, người lao động. So với những năm trước đây, hiện nay một số doanh nghiệp đã chú trọng đến việc cải thiện môi trường làm việc và sức khỏe của người tham gia lao động. Tuy vậy, có một thực tế khác mà ai cũng nhận ra, đó là tại một số cơ sở khai thác, chế biến đá, người lao động đang làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ rất thô sơ, chưa được trang bị về kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Trong số các lao động ở mỏ đá, có khá nhiều nông dân đến làm theo thời vụ, được trả công cho mỗi khối lượng đất đá cụ thể. Không ai có thể đưa ra được con số thống kê chính xác về lực lượng lao động thời vụ đã và đang mưu sinh tại các mỏ đá. Chỉ biết rằng, họ là những người thường xuyên phải đối diện với những rủi ro do quá trình lao động thiếu an toàn mang lại. Một công nhân ở mỏ đá thuộc huyện M’Drak cho biết: “Tai nạn lao động dẫn đến chết người thì ở đây chưa có, nhưng tai nạn thể nhẹ như bị thương dập chân, dập tay, trầy da chảy máu thì xảy ra như cơm bữa, thậm chí có người còn gãy cả chân nhưng nghỉ ít ngày lại tiếp tục đi làm...”.
Để nâng cao năng lực sản xuất và qui mô khai thác, chế biến khoáng sản, trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đáng kể cho hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, việc cơ giới hóa cũng chưa thể thay thế được yếu tố thủ công của con người. Chính vì vậy, chỉ cần một tích tắc chủ quan, sơ suất người lao động sẽ tự biến mình trở thành nạn nhân của tai nạn lao động. Mới đây nhất vào đầu tháng 3-2011, tại mỏ đá thôn 6, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ, một công nhân thuộc Công ty TNHH Hoàng Việt, trong khi vận hành thiết bị chế biến đá đã bị kẹp trên băng chuyền đá thiệt mạng. Chính vì vậy, cùng với sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người lao động cũng cần phải có ý thức, xác định trách nhiệm cao hơn khi tham gia vào dây chuyền khai thác, sản xuất khoáng sản. Đó cũng là cách tự bảo vệ mình và hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Người lao động làm việc trong các mỏ đá còn thường xuyên phải đối mặt với mối đe dọa lớn nguy hiểm với sức khỏe nữa là bệnh bụi phổi silic, loại bệnh đặc thù của nghề này. Trong khi đó, qua nhiều đợt cùng đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra một mỏ đá chúng tôi nhận thấy rất ít doanh nghiệp tổ chức khám bệnh định kỳ cho người lao động. Tại một doanh nghiệp khai thác đá ở huyện Krông Buk sau khi được đoàn kiểm tra nhắc nhở đã tổ chức khám bệnh cho 45 người lao động và kết quả là có đến 33 người bị mắc các chứng bệnh về răng – hàm - mặt, tai – mũi – họng; nhiều người có triệu chứng ho, khó thở, một số người bị giảm thị lực và điếc… Anh Nguyễn Văn Thành quê ở Hưng Nguyên (Nghệ An) vào Buôn Ma Thuột làm việc thời vụ ở mỏ đá hơn 5 năm rồi cho biết: “Tôi không có nghề nghiệp gì, nhà có hơn sào rẫy làm loáng là hết, nên xin vào mỏ đập đá và hưởng lương theo sản phẩm. Mỗi ngày đập được từ 10 đến 13 khối đá, tiền công mỗi khối 12.000 đồng. Với thu nhập đó gia đình tằn tiện cũng sống được. Nhưng điều tôi lo ngại nhất là gần một năm nay thỉnh thoảng tôi lại bị tức ngực, khó thở, đi khám được bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh phổi nhiễm bụi silic. Nghe nói đây là bệnh nghề nghiệp, người lao động được hưởng chế độ BHXH gì đó. Nhưng tôi làm thời vụ, không có hợp đồng, không đóng bảo hiểm nên đâu có gì…”. Các doanh nghiệp tư nhân thường chỉ thuê dài hạn một số lao động kỹ thuật cơ bản: như thợ khoan, thợ nổ mìn... Nói là thợ "kỹ thuật", nhưng thường các lao động này đều chưa qua đào tạo bài bản, phần lớn là "tay quen" do trưởng thành, lăn lộn từ các mỏ đá mà ra.
Và... lẻ một hệ lụy từ khai thác đá
Ngoài những vấn đề mất an toàn, vệ sinh trong lao động nêu trên thì việc khai thác đá xây dựng ở các mỏ đá trên địa bàn tỉnh cũng đã gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường, sinh thái và sự an toàn cho những người dân sống gần mỏ đá. Người dân ở các xã Cư ÊBur và Hòa Phú (nơi tập trung đến 10 mỏ đá đang khai thác) hàng ngày phải gồng mình lên để chịu cảnh hàng trăm chuyến xe qua lại vận chuyển đá, nhiều con đường bị xới nát tạo ra cảnh bụi mù mịt vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa. Đúng ra thì các doanh nghiệp khai thác đá phải đầu tư làm đường giao thông trước rồi mới tiến hành khai thác, nhưng trên thực tế thì ít doanh nghiệp nào quan tâm đến việc bảo đảm giao thông cho người dân quanh khu vực mỏ đá. Nhiều nơi, ngoài việc làm hỏng đường giao thông gây bụi, lầy thì xe vận chuyển đá trong quá trình di chuyển đã để rơi đá xuống đường gây tai nạn và cản trở giao thông. Một số doanh nghiệp khai thác đá đã rất “có lý” khi cho rằng: doanh nghiệp chỉ là đơn vị khai thác đá, còn vận chuyển đá là của các doanh nghiệp, tư nhân khác nên họ không thể chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông liên quan(!).
Trong thời gian qua, đã có không ít những chủ mỏ đá trên địa bàn bị người dân sống xung quanh kiện và “kêu cứu” vì dùng vật liệu nổ quá liều lượng cho phép (nổ mìn khai thác đá) gây dư chấn làm nứt, đổ nhà dân, bụi đất đá, khói nổ mìn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân quanh vùng. Hàng chục hộ dân ở thôn 4 xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) mấy năm nay phải sống trong những cơn rung chấn do nổ mìn dẫn đến nứt tường, bung mái và bụi đá ô nhiễm. Hay như một số hộ dân ở thôn 12, xã Krông Buk (huyện Krông Pak), gần 2 năm nay luôn nơm nớp lo sợ mỏ đá nổ mìn vì điểm khai thác của mỏ đá quá gần với nhà dân- không đủ khoảng cách an toàn theo quy định. Chính vì vậy, mỗi khi mỏ nổ mìn đất đá bay vào nhà làm thủng mái tôn, tường nhà nứt, đá rơi đầy vườn, cản trở việc sản xuất, sinh hoạt và đe dọa tính mạng người dân…
(Còn tiếp)
Kỳ II: Những lỗ hổng trong công tác quản lý khai thác đá.
Ý kiến bạn đọc