Multimedia Đọc Báo in

Ồ ạt “xẻ thịt” Vườn Quốc gia Yok Đôn

09:02, 22/04/2011
Hàng trăm cây gỗ hương bị đốn hạ với gần 1000 m3 gỗ quý hiếm từ vùng lõi rừng cấm theo chân lâm tặc “xuống núi”... đó là thực tế nhức nối đã và đang diễn ra tại Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn. Cùng với nỗi xót xa, tiếc nuối cho rừng, dư luận đặt ra một nghi án lớn: Ai đã tiếp tay cho lâm tặc lộng hành?
 
Thảm trạng Vườn Quốc gia      
 
Chỉ trong vòng chưa được 10 ngày qua, chúng tôi đã có 3 chuyến đi thực tế trong vùng lõi VQG Yok Đôn để tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc ngang nhiên thảm sát rừng. Càng đi sâu vào rừng càng mới thấy được sự lộng hành ghê gớm của lâm tặc. Tại các tiểu khu 434, 441, 425, 507 của VQG lớn nhất nước này hiện chẳng khác nào một công trường khai thác gỗ. Những vết xe cày, xe cải tiến chằng chịt cùng với ngổn ngang cành, ngọn, gốc gỗ hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi... mà lâm tặc bỏ lại sau khi đã lấy đi hết phần thân.
Một cây gỗ hương
Một cây gỗ hương nằm cạnh đường tuần tra cũng bị lâm tặc ngang nhiên cưa hạ
 
Chiều tối 20-4, chúng tôi theo chân một cán bộ đang công tác ở VQG Yok Đôn ngược rừng vào tiểu khu 507, địa điểm được “mật báo” là vừa mới phát hiện có hàng trăm cây gỗ hương bị lâm tặc “khai tử”. Trên con đường tuần tra 6B để vào địa điểm này, chúng tôi quan sát thấy có đến hàng trăm lối mòn dẫn vào rừng mà theo vị cán bộ đưa chúng tôi đi là do lâm tặc mở đường để đưa phương tiện vào khai thác và vận chuyển gỗ ra ngoài. Theo một lối mòn đã nhẵn thín vết lốp xe máy cày, chúng tôi vừa đi vừa đếm gốc gỗ hương vừa mới bị đốn hạ. Dấu vết lâm tặc để lại dày đặc trên những cây hương hàng trăm năm tuổi đã bị lâm cưa cắt sát gốc.
 
Hàng loạt cây gỗ hương có đường kính trên 1m
Hàng loạt cây gỗ hương có đường kính trên 1m đã bị lâm tặc tàn sát không thương tiếc
 
Lâm tặc đã lấy đi những khúc gỗ lớn, để lại hiện trường gốc, cành, ngọn và nhiều cây gỗ quý khác đã bị ngã đổ theo ngổn ngang như bãi chiến trường. Nhiều gốc bị đốn hạ đã có bút tích ghi “ngày, tháng” kiểm lâm vườn kiểm tra phát hiện, và cũng có nhiều gốc cây mới bị cưa cắt, cành lá vẫn còn tươi và kiểm lâm chưa kịp... thấy. Thậm chí tại đây, chúng tôi còn phát hiện nhiều cây đã ngã đổ nhưng lâm tặc chưa kịp lấy gỗ đi; có những cây gỗ đổ xuống, lâm tặc đang cưa cắt thì lưỡi cưa bị kẹt, chúng đành bỏ cả gỗ lẫn cưa lại hiện trường...
 
Chỉ đi trong một khoảnh rừng ở tiểu khu 507, thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ nhưng chúng tôi đã kiểm đếm được 33 cây gỗ hương có đường kính từ 60 cm đến hơn 1,2m bị lâm tặc đốn hạ. “Nếu đi sâu vào trong thì sẽ thấy thê thảm hơn nhiều. Thực tế thì số gỗ hương bị lâm tặc chặt hạ tại tiểu khu này đã lên đến hàng trăm cây. Đó là chưa kể các gốc cây cũ chúng khai thác từ năm ngoái!” – anh cán bộ Vườn đi cùng khẳng định với chúng tôi.
 
Tại hiện trường còn rất nhiều cây gỗ hương đã bị lâm tặc chặt hạ nhưng chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng
Tại hiện trường còn rất nhiều cây gỗ hương đã bị lâm tặc chặt hạ nhưng chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng

Không chỉ ở tiểu khu 507, tại các tiểu khu 441, 425, 421 và 434 tình trạng lâm tặc khai thác gỗ hương cũng ồ ạt không kém. Tại tiểu khu 434, chỉ loanh quanh trong rừng chừng vài chục phút, chúng tôi đã đếm được 28 gốc hương mới bị lâm tặc tàn hạ. Vết cưa còn mới toanh, nhiều gốc cây vẫn đang còn ứa nhựa ròng ròng. Con đường mòn vận chuyển gỗ từ điểm khai thác xuống bờ sông Sêrêpốk bị cày xới nát bươm, với những vết bánh xe máy cày chằng chịt. Điều này chứng tỏ lâm tặc đã thường xuyên đưa gỗ lậu ra khỏi rừng qua bến sông này.
 
 Ai đã tiếp tay cho lâm tặc?
 
Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.500 ha nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây là vườn quốc gia rộng nhất nước, với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Thời gian gần đây, rừng Yok Đôn được xem là miếng mồi ngon, luôn bị lâm tặc rình rập tấn công từ nhiều hướng, thậm chí chúng đã vào đến tận vùng lõi, vùng cấm nghiêm ngặt để “xẻ thịt” rừng...
Dấu vết xe chở gỗ của lâm tặc còn để lại tại hiện trường
Dấu vết xe chở gỗ của lâm tặc còn để lại tại hiện trường
 
Tài nguyên rừng ở VQG Yok Đôn đang bị mất dần làm một thực tế xót xa mà cán bộ quản lý bảo vệ rừng ở đây cũng như lãnh đạo Vườn không thể không hay biết. Ấy vậy mà trước tình trạng lâm tặc lộng hành trong thời gian qua nhưng chủ rừng (nói đúng hơn là người có trách nhiệm giữ rừng ở đây) vẫn “bình chân như vại”. Bằng chứng là từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm vụ vi phạm lâm luật ở đây với mức thiệt hại khủng khiếp khó có thể đo đếm được nhưng vẫn chưa có vụ nào được Kiểm lâm Vườn lập hồ sơ khởi tố vụ án để điều tra. Trên thực tế, chỉ cần 1 cây gỗ hương bị lâm tặc chặt hạ có đường kính gốc 1m thì sẽ có được 6-7m3 gỗ. Và cũng chỉ cần chừng đó thôi là đã đủ điều kiện khởi tố vụ án theo luật định. Vậy nhưng hiện trạng ở VQG cho thấy đã có đến hàng trăm cây hương với cả 1000m3 gỗ đã bị lâm tặc “xẻ thịt” mà vẫn chưa có lấy một quyết định khởi tố vụ án nào để điều tra(!?) Ngay cả những đợt chúng tôi đi thực tế trong vùng lõi của Vườn cũng tiệt nhiên không hề thấy bóng dáng của lực lượng kiểm lâm vườn đi tuần tra, kiểm tra rừng!
và cả cưa tay lâm tặc cũng chẳng buồn mang về mà để sẵn trên một thân gỗ đang còn xẻ dở dang...
và cả cưa tay lâm tặc cũng chẳng buồn mang về mà để sẵn trên một thân gỗ đang còn xẻ dở dang...
 
Được biết, hiện tại VQG Yok Đôn có 225 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 170 cán bộ, nhân viên kiểm lâm, được biên chế 11 trạm và 2 đội kiểm lâm cơ động rải khắp vườn. Ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng, Vườn còn bố trị các trạm kiểm soát lâm sản đường bộ, đường sông. Với lực lượng có thể nói là hùng hậu như vậy thì tại sao lâm tặc lại có thể ngang nhiên vào rừng khai thác gỗ hương trái phép với các loại phương tiện cưa máy có tiếng nổ vang xa cả km mà kiểm lâm không phát hiện được?
 
Trong khi đó, ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc VG Yok Đôn thì cho rằng “anh em cũng đã làm hết mình, hết trách nhiệm để bảo vệ rừng, thậm chí còn có người đổ cả máu để giữ rừng. Tuy nhiên do lực lượng mỏng trong khi đó diện tích rừng lớn nên không thể kiểm soát nổi”. Ông Trưởng chứng minh: Chỉ trong quý I – 2011, Vườn đã phát hiện 162 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với khối lượng gỗ lậu lên đến 167 m3 cùng với nhiều phương tiện khai thác vận chuyển của lâm tặc. “Với số lượng vụ việc phát hiện như vậy thì không thể nói là chúng tôi lơ là trong công tác quản lý bảo vệ rừng được”- ông Trưởng nói.
 
Ngược lại với quan điểm của giám đốc, ông Đoàn xuân Thiện, một cán bộ công tác lâu năm ở VQG Yok Đôn cho rằng: Những vụ việc trên chỉ là lẻ tẻ, “cò con”. Bởi, nếu căn cứ vào hàng trăm gốc gỗ hương vừa bị lâm tặc chặt hạ trong rừng thì khối lượng gỗ mà lâm tặc đã đưa ra khỏi rừng là không dưới 1000m3. Vậy thì ai đã “bảo kê”, “dọn đường” cho số gỗ này lọt ra khỏi rừng? Ông Thiện nhẩm tính: 1m3 gỗ hương hiện trên thị trường có giá là khoảng 40 triệu đồng. Nếu nhân lên với gần 1000m3 gỗ hương mà lâm tặc mới ngang nhiên lấy đi của Vườn thì mức thiệt hại đã là vài chục tỷ đồng. Ông Thiện xót xa: “Số gỗ ấy mất đi là một thiệt hại không nhỏ, nhưng cái đáng giá hơn mà chúng ta đang mất đi chính là tài nguyên rừng, hệ sinh thái của Vườn – lá phổi xanh của Tây Nguyên, và hơn hết là lòng tin của người dân đối với những người có trách nhiệm giữ rừng”.
Việt Cường 

 


Ý kiến bạn đọc