Multimedia Đọc Báo in

Muôn nẻo đường... nhậu - Kỳ 1: “Chân dung” các quán nhậu

11:04, 25/07/2011

Có quá nhiều lý do để nhậu. Không đơn thuần là những cuộc gặp gỡ để giao lưu, giải trí, nhậu đã trở thành thói quen của nhiều người, nhiều đối tượng, nhiều thành phần trong xã hội. Về định lượng, lợi ích từ nhậu “khiêm tốn” hơn nhiều so với những hệ lụy mà nó đưa lại…
 
Kỳ 1: “Chân dung” các quán nhậu

Trong những năm gần đây số lượng hàng quán dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí của người dân tăng lên đáng kể. Ở thành phố Buôn Ma Thuột, có lẽ sau cà phê, vị trí thứ hai sẽ thuộc về các nhà hàng, quán nhậu. Từ những con đường lớn đến những con hẻm nhỏ, đâu đâu cũng thấy quán nhậu xuất hiện.
 
Hầu như tất cả các con đường, con hẻm trên TP. Buôn Ma Thuột đều có ít nhất một quán để “lai rai”. Dân nhậu quá quen thuộc với những quán nhậu dân dã trên đường Mai Hắc Đế, Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh… đến những con “phố nhậu” như Ngô Quyền, Lê Thánh Tông… Tuy nhiên, để khẳng định số nhiều, một tay nhậu có thâm niên từng tuyên bố: “Nếu ai nói rằng đã từng đi nhậu hết các quán thì tôi xin “đi đầu xuống đất”.
 
Từ những quán nhậu bình dân
Những quán nhậu bình dân trên vỉa hè
Loại quán này nằm rải rác khắp thành phố nhưng thịnh nhất có lẽ là khu vực đường Lê Thánh Tông và Ngô Quyền, quán nhậu mọc lên san sát, hình thành nên “phố nhậu” nổi tiếng. Diện tích của các quán nhậu bình dân thường không lớn, trang hoàng không quá cầu kỳ. Nhiều quán lợi dụng mặt bằng kinh doanh chính là vỉa hè. Có lẽ chính cái mác bình dân là lợi thế lớn của quán và trên hết nó đang làm ăn cực kỳ phát, bằng chứng là lượng khách khi nào cũng đông như trẩy hội và vui như tết. Sức hút để những quán nhậu bình dân níu chân khách là ở chỗ có đầy đủ các món ăn khoái khẩu, giá cả phải chăng hơn những nhà hàng sang trọng đắt tiền, hợp túi tiền của nhiều “cấp bậc” dân nhậu. Từ “những con chạy trên rừng cho đến chú bơi dưới biển” đều có mặt trong thực đơn của quán. Riêng các món nhậu cho men say thì đa dạng vô vàn, từ trái cây như xoài, cóc… rồi các món gia đình nhất như: rau muống xào tỏi, cơm chiên, tàu hũ hấp… Đồ uống tại đây cũng đa dạng không kém, từ các loại rượu đóng chai rẻ tiền đến những loại bia thông dụng như Saigon, Tiger, Heniken…Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, đi cùng với sự tiện lợi, giá cả phải chăng thì đằng sau nó có rất nhiều vấn đề phải bàn. Trong đó “nóng” nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Với diện tích hạn chế nên việc sắp xếp các khu vực chức năng của các quán nhậu rất khó khăn. Đa số các hàng quán đều có khu vực bếp và nhà vệ sinh liền kề nhau. Hệ thống thoát nước kém cộng với lượng khách quá lớn khiến cho “tổ hợp” này trông khá mất vệ sinh. Nếu các “đệ tử của lưu linh” chưa có hơi men mà đi vào khu vực chế biến thức ăn thì sẽ phải suy nghĩ lại việc ăn uống của mình. Ngoài ra, để có thể bán được với giá rẻ thì nguyên liệu chế biến thức ăn cũng phải mua rẻ. Vậy là đồ ăn ôi thiu có thể trở thành “mồi nhậu” qua bàn tay tái chế tài tình của các đầu bếp. Sau những cái cụng ly bôm bốp, những tiếng hô hào đầy khí thế, thực khách đưa vào cơ thể mình thứ gì thì ít ai quan tâm đến.
 
Đến quán nhậu hạng sang
 
Ở phân cấp này, TP. Buôn Ma Thuột không thiếu những quán có kiểu cách sang trọng, được đầu tư hàng tỷ đồng. Đặc trưng dễ nhận thấy nhất là chúng luôn nằm tách biệt trên mỗi con phố, chỗ để xe rộng rãi, kín đáo và khi đi qua, người đi đường ít nhận ra được trong quán có khá đông thực khách. Tại đây có sự phân cấp rõ rệt trong đối tượng nhậu mà người ta thường nói đùa họ là những người “một là rất nhiều tiền, hai là tiền không đổ mồ hôi mà có”. Và đương nhiên, để moi được tiền của đối tượng khách này thì tất tần tật đều phải được nâng cấp. Cũng là những “con chạy trên rừng, những chú bơi dưới biển” nhưng thường ở đây thịt thú rừng phải là thứ thịt tươi sống, trong đó được ưa chuộng nhất là loại thú nhỏ, làm thịt tức thì ngay lúc đến ăn. Những loại này nếu gặp đầu bếp giỏi, khi ăn thịt thì tim chúng vẫn còn thoi thóp trong ly rượu để giữa bàn. Các món “rừng” mà dân nhậu luôn chuộng là heo, nai… cho dù không chắc là thật 100% hay chỉ là “hồn Trương Ba, da hàng thịt” nhưng lượng tiêu thụ các mặt hàng đó hàng ngày vẫn tăng đều đều, đến nỗi, người ta không hiểu tại sao thú rừng còn nhiều thế, dù đã có quy định cấm săn bắt. Với các món hải sản, dân sành ăn thường chọn loại “tôm chích ra máu, cua ghẹ đủ chi càng”.
Những món nhậu với đồ ăn "tươi sống".
Những món nhậu với đồ ăn "tươi sống".
Đồ ăn đã vậy, thức uống cũng phải là những loại cao cấp mới xứng tầm. Nếu uống bia, tệ thì uống bia Heniken, còn nếu không phải là những loại bia như Kronenbourg (Pháp) hay Miller (Mỹ)…Còn rượu thì khỏi nói, đủ các loại rượu ngoại, từ Remy Martin, Hennessy, Martell, Camus, Courvoiser, Otard đến Ballantines, Macallan. Nhưng thông dụng nhất có lẽ là những chai Chivas tầm trung với giá trên 1 triệu đồng mỗi chai. Những loại rượu “tăng cường sinh lực”, “cường dương”… như: rượu sâm, ngũ rắn, rượu huyết, rượu tắc kè cũng không thiếu để sẵn sàng phục vụ các “thượng đế”.
 
Với những quán như thế này, bên cạnh những chỗ ngồi chung có không gian thoáng đãng, khá ấm cúng, còn có nhiều phòng được thiết kế riêng biệt với không gian đầy đủ tiện nghi để ở đó, thực khách có thể làm những gì mình thích. Muốn hút khách, các nhà hàng, quán nhậu cao cấp không chỉ “hiện đại hóa” mở rộng từ diện tích quán đến việc xét tuyển các em tiếp viên biết chúc bia rượu và thậm chí là phải biết khéo léo lả lơi đúng mực để các thượng đế “nốc rượu dễ như nước lã”. Tất nhiên kèm theo việc hưởng thụ những dịch vụ “cao cấp” trong loại hình quán này thì mỗi hóa đơn tính tiền luôn làm chóng mặt những người bình thường. Một cuộc nhậu sơ sơ cũng ngốn từ 5 đến 7 triệu, đó là chưa tính đến khoản tiền “động viên” các em tiếp viên phục vụ.
Nhóm PV
Đón đọc Kỳ 2: “Thượng đế” của các quán nhậu

Ý kiến bạn đọc