Triển khai, thực hiện các dự án lâm nghiệp ở Dak Lak: Lộ diện những bất cập (Kỳ 2)
Cùng với những “dự án ma”, nhiều dự án trồng rừng của các doanh nghiệp (DN) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng diện tích rừng thực tế đã trồng được chỉ là con số khá khiêm tốn so với kế hoạch được giao…
Theo thống kê mới đây của Sở NN-PTNT, đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép 41 doanh nghiệp (DN) với 41 dự án được khảo sát trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng và dự án nông lâm nghiệp khác trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích 35.832 ha. Trong đó có 37 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích 33.071 ha; 4 dự án nông lâm nghiệp khác với diện tích 2.760 ha. Đến nay đã có 29 dự án đã hoàn thành các thủ tục để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, diện tích rừng đã được các DN này tiến hành trồng mới đến thời điểm này chỉ dừng lại ở con số trên 6.800 ha – một con số khá khiêm tốn so với diện tích rừng được giao…
Diện tích rừng trồng (keo) như thế này trên địa bàn Ea Súp chỉ đạt hơn 4.000 ha so với kế hoạch được giao cho các DN trong vùng dự án trồng mới trên 12.000 ha. (Ảnh: P.V) |
Trên địa bàn huyện Lak hiện có 4 DN thuê đất và liên kết trồng rừng với tổng diện tích 11.923 ha. Không có nhiều trường hợp người dân lấn chiếm đất rừng trong vùng dự án như ở Ea Súp, thế nhưng qua gần 3 năm triển khai các dự án trồng rừng, số diện tích rừng đã được các DN triển khai trồng trên thực tế cũng mới chỉ tương đương với số lẻ trong tổng diện tích đất được cho thuê. Cụ thể, Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai được cho thuê 2.254 ha để thực hiện dự án trồng rừng, nhưng mới chỉ trồng được tổng cộng 377 ha (thời điểm năm 2009). Tương tự, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành được thuê đất trồng rừng và đã được thẩm định với tổng diện tích 4.677 ha. Song, đến thời điểm này công ty mới chỉ đăng ký kế hoạch trồng rừng cho trong năm 2011 với diện tích… 290 ha. Ngoài dự án riêng trên, Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành còn liên kết với Công ty Lâm nghiệp Lak trồng rừng trên diện tích 4.800 ha và đã được cơ quan chức năng thẩm định. Nhưng cho đến thời điểm này, việc liên kết trồng rừng của hai DN trên cũng chỉ mới thực hiện được chưa đến 1.500 ha (trong cả 2 năm 2009-2010).
Hầu hết các DN có dự án trồng, quản lý và phát triển vốn rừng trên địa bàn Ea Súp đều không thực hiện mục tiêu đề ra, khiến rừng bị chặt phá và xâm hại ngày càng nghiêm trọng. |
Ông Y Manh Adrơng - Phó chủ tịch huyện Ea H’leo cho biết: trong số 16 dự án được UBND tỉnh cấp phép đầu tư trồng cao su, trồng rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên địa bàn, đến nay có 2 dự án của 2 DN (Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty TNHH Lộc Phát) đã lộ rõ dấu hiệu “biến tướng” so với mục tiêu đầu tư ban đầu. Cụ thể, Lộc Phát được thuê gần 800 ha đất rừng tại tiểu khu 104, 106 xã Ea Hiao - huyện Ea H’leo để trồng rừng. Được hơn 2 năm (2008 đến đầu năm 2010) thì DN này đã sang nhượng cho DN khác. Theo ông Võ Tí Hon - Chánh văn phòng UBND huyện Ea H’leo, sự việc được phát hiện khi diện tích rừng trồng của Lộc Phát bị cháy gần 300 ha mà không có lực lượng tại chỗ ứng phó kịp thời do “chủ rừng” phủi tay, rút khỏi địa bàn, trong khi đó DN được Lộc Phát sang nhượng chưa xây dựng phương án phòng chống cháy rừng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cũng từ nguồn tin của chính quyền huyện Ea H’leo: trong số gần 800 ha đất lâm nghiệp được thuê trồng rừng tại hai tiểu khu trên (không kể dự án liên kết với Công ty Lâm nghiệp Ea H’leo), đến nay Lộc Phát đã bán đứt cho DN Tân Thăng Long với giá 4,1 tỷ đồng.
Bên cạnh việc sang nhượng trái phép các dự án, thì việc tự động chuyển đổi mục đích đầu tư không đúng với chủ trương của tỉnh cũng đang là vấn đề gây bức xúc cho nhiều người và chính quyền huyện Ea H’leo. Theo đánh giá của Ông Y Manh ADrơng, Công ty TNHH Hoàng Nguyễn là một trong những DN bị dư luận phản đối mạnh mẽ do những sai phạm trên. Được biết, công ty này được UBND tỉnh cho thuê 438 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 9 và 17 (xã Ea H’leo) để trồng cao su. Nhưng công ty chỉ trồng “lấy lệ” khoảng 40 ha, còn lại xin chuyển đổi mục đích sử dụng để quy hoạch, xây dựng khu dân cư, thể thao, cây xăng, nhà chờ… nhằm trục lợi… “Động thái” này của Hoàng Nguyễn không được chính quyền địa phương chấp nhận khi (ngày 16-5-2011) DN có văn bản xin UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng vì lý do: hầu hết diện tích đất lâm nghiệp được thuê tại khu vực trên không thích hợp với cây cao su (?!) Bởi theo ông Y Manh ADrơng, huyện đã có quy hoạch tổng thể về những hạng mục trên nhằm mục đích xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong thời gian tới. Vì thế, đề nghị cấp có thẩm quyền nên xem xét thấu đáo vấn đề trên.
Bài 3: Loạn dự án
[links()]
Ý kiến bạn đọc