Multimedia Đọc Báo in

Triển khai, thực hiện các dự án lâm nghiệp ở Dak Lak: Lộ diện những bất cập (Kỳ 3)

10:19, 28/09/2011
Bài 3: Loạn dự án

Hầu hết các địa phương có vùng quy hoạch dự án đều than phiền: các DN khi có chủ trương cho phép đầu tư của tỉnh trong tay, họ không cần liên hệ với chính quyền địa phương, tự ý nhảy vào và “tự tung, tự tác” khảo sát, lập dự án…  gây khó khăn cho việc quản lý, quy hoạch và xây dựng các mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương.

Diện tích rừng được giao cho Công ty TNHH Minh Hằng khoanh nuôi, quản lý và bảo vệ trên địa bàn xã Ya T’mốt - Ea Súp bị chặt  phá tan nát.                                 Ảnh: P.V
Diện tích rừng được giao cho Công ty TNHH Minh Hằng khoanh nuôi, quản lý và bảo vệ trên địa bàn xã Ya T’mốt - Ea Súp bị chặt phá tan nát. (Ảnh: P.V)

Không thể kiểm soát
Báo cáo mới đây (15-8-2011) của Sở NN-PTNT cho thấy: danh sách các DN có chủ trương khảo sát, lập dự án trồng cao su và trồng rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đầy đủ so với thực tế diễn ra. Theo thống kê của sở này, đến nay có 44 dự án trồng cao su, 41 dự án trồng rừng, cải tạo và quản lý bảo vệ rừng kết hợp với sản xuất, chăn nuôi được UBND tỉnh cho chủ trương và cấp phép triển khai. Tuy nhiên, qua phản ánh  của các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn và Ea Kar… thì con số trên còn nhiều hơn thế. Chẳng hạn như Ea Súp có thêm 4 dự án, Ea H’leo: 2, Buôn Đôn: 3 và Ea Kar: 3, và Sở NN-PTNT chưa cập nhật được; khiến công tác theo dõi, quản lý về mặt Nhà nước của các địa phương và của Sở để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chủ trương trên gặp không ít khó khăn, hạn chế.  

 

Vì sao như vậy? Ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: các DN khi có chủ trương khảo sát, đầu tư lập dự án đã không báo cáo, hoặc không có thông tin gì gửi cho cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, nắm bắt. Còn về phía các huyện thì tỏ rõ thái độ bức xúc: tỉnh cho chủ trương và cứ thế DN nhảy vào “tự tung, tự tác” trên địa bàn huyện quản lý, gây khó khăn cho địa phương trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển các mục tiêu kinh tế, xã hội và dân sinh đặt ra. Ông Trần Văn Nhượng - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn bày tỏ quan điểm: là huyện biên giới, người dân tộc thiểu số tại chỗ đang thiếu đất canh tác, nên cần phải quan tâm đến vấn đề này trước tiên. Lẽ ra, tỉnh nên nhanh chóng làm việc với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, rừng nghèo kiệt để bố trí đất sản xuất cho bà con, tạo điều kiện cho họ ổn định và nâng cao đời sống… sẽ thiết thực hơn là cho các DN vào khảo sát, lập dự án trồng rừng, trồng cao su.

Những băn khoăn đặt ra
Trên địa bàn huyện Buôn Đôn hiện có 12 DN được chủ trương của tỉnh cho lập dự án với tổng diện tích gần 4.100 ha. Và 2/3 diện tích này hiện đang nằm trong tình trạng tranh chấp giữa các DN với người dân địa phương, khiến công tác quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên rừng ở đây trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Ông Nhượng băn khoăn: ngoài 4 DN (Công ty TNHH SX-XNK lương thực Bình Dương, Công ty TNHH-TM và XD Phúc Nguyên, Công ty TNHH Hữu Bích và Công ty Công nghiệp thực phẩm PAGODA)) được UBND tỉnh cho thuê đất để triển khai dự án tại xã Tân Hòa, Ea Huar, Krông Na có hiệu quả và có mối liên hệ đầy trách nhiệm với chính quyền địa phương nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, thì 8 DN còn lại huyện không biết họ đang làm những gì trong vùng dự án? Tình trạng “loạn dự án” này, theo chính quyền huyện Buôn Đôn là để “lấy đất” mà thôi! Sau đó, nếu được thuê đất trong vòng 50 năm thì các DN làm gì, chỉ có “trời mới biết” (!?) Và tất nhiên, từ đó sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy không thể lường trước - ông Huỳnh Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cảnh báo thêm.

Hầu hết các DN chỉ quan tâm đến việc trồng cao su, còn công tác quản lý, bảo vệ rừng thì buông lỏng. (Trong ảnh là máy cày của Công ty TNHH Minh Hằng đang xới đất để xuống giống cao su tại xã Ya T’mốt).              Ảnh: P.V
Hầu hết các DN chỉ quan tâm đến việc trồng cao su, còn công tác quản lý, bảo vệ rừng thì buông lỏng. (Trong ảnh là máy cày của Công ty TNHH Minh Hằng đang xới đất để xuống giống cao su tại xã Ya T’mốt). Ảnh: P.V

Những băn khoăn, cảnh báo này cũng trở thành nỗi bức xúc và mối lo ngại thực sự trước thực tiễn đang diễn ra ở huyện Ea Súp. Cùng với Công ty Vinamit (đã được chủ trương cho phép khảo sát lập dự án trồng rừng trên địa bàn xã Cư M’lan đang nằm “ngoài vòng kiểm soát” của chính quyền địa phương, để rừng bị tàn phá hơn 400 ha/925,8ha trong vùng dự án), thì các DN khác như Hoàng Gia Phát, Tân Đại Thắng, Bảo Ngọc, Anh Quốc, Minh Hồng, Phước Thành… (đã được bàn giao đất rừng) để trồng cao su, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng vẫn đang “giẫm chân tại chỗ” trong việc thực hiện dự án, để đất, rừng bị xâm hại nặng nề. Trong khi đó, việc khai hoang, tận thu gỗ trong vùng dự án, họ đã “cơ bản hoàn thành”. Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết: số lượng gỗ của các DN đã tận thu trong vùng dự án lên tới gần 700 m3. (Cụ thể, Tân Đại Thắng: 310 m3, Hoàng Gia Phát: 260 m3, Phước Thành: 30,76 m3 và Minh Hồng: 11,549 m3). Nhiều người cho rằng, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ: một số DN cố chạy dự án là để được tận thu lâm sản và “sở hữu” đất, rừng lâu dài là chính, còn việc trồng cao su, phát triển rừng chỉ là cái cớ mà thôi! Điều đó thể hiện rõ qua đánh giá của phòng NN-PTNT huyện Ea Súp: Các DN đều chưa cung cấp đầy đủ  hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án được phê duyệt của UBND tỉnh (nhất là việc thuyết minh dự án, bản đồ hiện trạng, quy hoạch vùng dự án và phương án quản lý, bảo vệ rừng…). Trên diện tích rừng được giao và cho các DN thuê hiện đang suy giảm về chất lượng so với trước khi lập dự án. Theo ông Nguyễn Ngọc Phú-Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, từ khi DN đổ vào làm dự án, (nhất là 6 dự án trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng trên địa bàn) đã khiến an ninh rừng ở đây thật sự bị báo động. Không như trước, khi rừng còn được giao cho các xã quản lý, bảo vệ… không bị tàn phá nghiêm trọng và các vụ việc vi phạm lâm luật cũng không tăng đột biến như hiện nay (với hơn 213 vụ được phát hiện và xử lý, đặc biệt trong đó có đến 6 vụ đề nghị khởi tố trong vòng 7 tháng của năm 2011).

 

Vậy nên, phải đánh giá và xem xét lại hiệu quả của các nhà đầu tư trong việc thúc đẩy, phát huy lợi thế, tiềm năng của khối kinh tế quan trọng này. Tránh tình trạng “loạn dự án” đến nỗi không thể kiểm soát hết, để rừng tiếp tục mất, đất lâm nghiệp không được phát huy, sử dụng đúng mục đích, đặt thêm gánh nặng lên vai chính quyền địa phương khi mà họ không hề mong muốn, trong khi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nơi đây vốn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Có thêm 11 dự án được các huyện đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư

Ngoài 14 dự án trồng cao su, trồng rừng trên địa bàn tỉnh được Sở NN-PTNT đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư do không đủ năng lực thực hiện và không đáp ứng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, đến nay có thêm 11 dự án nữa được UBND các huyện đề nghị chấm dứt chủ trương đầu tư vì xét thấy không hiệu quả, gây tranh chấp và làm xáo trộn quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Cụ thể: huyện Ea Súp có văn bản đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư dự án trồng, khoanh nuôi phát triển rừng của Công ty Vinamit; Buôn Đôn đề nghị thu hồi 8 dự án khảo sát lập dự án trồng rừng, cao su và cây công nghiệp của 8 DN trên địa bàn (Công ty TNHH Kim Tài Phát, Thủy Hoàng Nguyên, Công ty cao su Dak Lak, Công ty cổ phần Thành Long, Châu Lâm, Nhật Quân Anh, Hgum Guốp và Tuyết Sơn); Ea Kar đề nghị thu hồi 2 dự án trồng cao su và rừng của HTX nông - lâm nghiệp - dịch vụ Trường Xuân và Nông trường cà phê Cư Pul.

 

Nhóm PV Kinh tế

Bài 4: Rừng bị xâm hại nặng nề hơn

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.