Multimedia Đọc Báo in

Triển khai, thực hiện các dự án lâm nghiệp ở Dak Lak: Lộ diện những bất cập (Kỳ cuối)

13:44, 03/10/2011
Bài cuối: Người trong cuộc nói gì ?

Những bất cập trong quá trình triển khai các dự án lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, suy cho cùng vẫn là vấn đề thẩm định, chọn lựa doanh nghiệp tham gia chưa thật sự chuẩn xác, thiếu sự phối hợp giữa các “chủ rừng” với chính quyền các cấp…

 

Dự án khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng nhưng doanh nghiệp cho chặt cây, cày ủi để trồng các loại cây công nghiệp, lương thực.
Dự án khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng nhưng doanh nghiệp cho chặt cây, cày ủi để trồng các loại cây công nghiệp, lương thực.

 

Cần làm tốt khâu thẩm định
Trước tiên, phải khẳng định: Chủ trương của tỉnh về triển khai các dự án lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là kịp thời, góp phần quản lý và khôi phục rừng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của một số ngành chức năng chưa đồng bộ, công tác thẩm định, chọn lựa doanh nghiệp tham gia chưa thật sự chuẩn xác, thiếu sự phối hợp giữa các “chủ rừng” với chính quyền các cấp…

 Phó chủ tịch huyện Ea H’leo - Y Manh Adrơng đã phát biểu  trong cuộc họp “Rà soát, đánh giá chủ trương thu hút đầu tư trồng rừng và trồng cao su trên địa bàn Dak Lak”  vào đầu tháng 8-2011 rằng: Chính quyền địa phương, mà trực tiếp là cấp huyện hết sức lúng túng trong việc giám sát, quản lý dự án lâm nghiệp do các DN triển khai, thực hiện trên địa bàn.  Chẳng hạn, dự án trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ rừng tại tiểu khu 9, 17 (xã Ea H’leo) do Công ty TNHH Hoàng Nguyễn làm chủ đầu tư đã được ngành nông nghiệp ở đây cảnh báo: Không thể trồng được loại cây công nghiệp khó tính (cao su) này ở đây, vì tầng đất mỏng, úng nước và có quá nhiều đá lộ thiên. Vậy mà cơ quan thẩm định (là Sở NN-PTNT) vẫn giao dự án này!. Đến khi điều cảnh báo trên trở thành hiện thực thì DN Hoàng Nguyễn mới “biến tướng” dự án thành những hạng mục khác, trái với chủ trương của tỉnh. Điều này - ông Y Manh nhấn mạnh: không chỉ làm phức tạp thêm tình hình sử dụng tài nguyên đất, rừng tại địa phương, mà còn gây xáo trộn, thậm chí chồng chéo trong công tác quy hoạch, xây dựng các mục tiêu kinh tế, xã hội và dân sinh trên địa bàn trong tương lai. Ở khía cạnh khác, như việc giải quyết các  tranh chấp đất, rừng giữa người dân với DN trong vùng dự án (Đắc Nguyên, Lộc Phát…) chẳng hạn, thì ai đứng ra giải quyết ngoài chính quyền sở tại  - ông Y Manh bức xúc. 

Nhắc lại quan điểm của UBND tỉnh, tại cuộc họp trên, Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Ngọc Cư đã yêu cầu lãnh đạo Sở NN-PTNT (là cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh) phải soát xét lại quy trình cấp phép, triển khai các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng đến việc phối hợp đồng bộ, có trách nhiệm, có quyết tâm chính trị cao giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành chức năng và DN trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: trong vấn đề này không thể để xảy ra và tồn tại thực trạng “trên làm, dưới không hay”, để khi xảy ra “sự cố” thì không biết hỏi ai và trách nhiệm thuộc về ai…!? 

 Ông Trần Văn Nhượng - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn bức xúc trước vấn đề: Khi có giấy phép của tỉnh trong tay, DN nhảy vào "tự tung, tự tác" trong vùng dự án. Ảnh: P.V
Ông Trần Văn Nhượng - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn bức xúc trước vấn đề: Khi có giấy phép của tỉnh trong tay, DN nhảy vào "tự tung, tự tác" trong vùng dự án. Ảnh: P.V

Và đẩy mạnh kiểm tra thực hiện.
Ông Trần Văn Nhượng - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Chủ trương thu hút đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế từ khối lâm nghiệp nhằm cải thiện đời sống cho người dân là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hiệu quả thì chưa biết đến đâu, nhưng cái hậu quả nhãn tiền là rừng vẫn mất trong khi đất sản xuất của người dân không được đáp ứng. Ông Nhượng nói thêm, khi tỉnh giao đất cho các DN triển khai dự án thì trước đó phải khảo sát, tính toán liệu dự án đó có mang lại giá trị kinh tế, xã hội cho địa phương hay không; và bước cải thiện thu nhập của người dân ở đó đến mức nào… ? Bên cạnh đó, khi cho phép các DN thực hiện dự án thì các cơ quan chức năng  cần đẩy mạnh khâu khiểm tra thực hiện; nên “lắng nghe” chính quyền và các ngành chức năng ở huyện – những người hiểu rõ điều kiện thực tế ở địa phương cũng như tâm tư nguyện vọng, lợi ích chính đáng của số đông dân chúng ở mức nào để ra quyết sách phù hợp, hài hòa.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói rằng: “Cho thuê đất, rừng để biến lợi thế, tiềm năng này của Dak Lak thành giá trị kinh tế to lớn và vượt trội, có tính chất đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển, xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực của cả nước  là chủ trương lớn, rất đúng đắn, được cả xã hội hưởng ứng và  hoan nghênh. Song, theo như ông Xuân nhìn nhận: với tư cách là nhà quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thì trong thời gian qua, các dự án lâm nghiệp (trồng cao su, đặc biệt là trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng) vẫn còn để xảy ra những bất cập, thậm chí là sai sót như dư luận và báo chí đã phản ánh. Theo ông Xuân, trong quá trình thực hiện chủ trương trên của tỉnh phải tuân thủ trình tự, thủ tục và đúng với tinh thần của Chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc nhở, chỉ đạo. Chia sẻ với những băn khoăn đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương các huyện có vùng dự án, Sở NN-PTNT đã có những động thái kiên quyết và kịp thời như:  “chọn DN để gửi…rừng”, thận trọng hơn trong việc thẩm định dự án để loại bỏ những DN không đủ năng lực, điều kiện sản xuất, kinh doanh… Đồng thời có thái độ dứt khoát đối với những DN lợi dụng chủ trương của tỉnh để lấy đất trục lợi. Theo thông tin mới nhất từ Sở NN-PTNT, đến nay đã có 28 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư vì không đủ điều kiện, năng lực thực hiện, triển khai dự án. Và mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng khảo sát các dự án mới để rà soát, chấn chỉnh các dự án đang triển khai, xử lý các DN đã vi phạm cam kết ban đầu với tỉnh.

Hiện toàn tỉnh còn khoảng 60.000 ha rừng chưa có chủ. Được biết, Sở NN-PTNT đang xây dựng đề án phát triển lâm nghiệp từ nay đến năm 2015 sẽ giao 100% diện tích rừng còn lại cho các đơn vị lâm nghiệp, các DN, cộng đồng và tổ chức, cá nhân để quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng một cách có hiệu quả. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây, làm sao khắc phục những bất cập, sai sót đã từng xảy ra trong các vùng dự án mà dư luận đã phản ánh là điều mà những người có trách nhiệm cần phải lưu tâm.

Tạm dừng phê duyệt các dự án mới trên đất lâm nghiệp

 Ngày 27-9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1685/CT-TTg tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Theo chỉ thị, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng, chiếm đất, lấy gỗ và lâm sản trái phép diễn ra phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại tại một số địa phương; hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, gây bức xúc trong xã hội. Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Với UBND các tỉnh, thành, Thủ tướng chỉ đạo cần tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ năm 2006 đến nay; đồng thời tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên trên địa bàn đến khi hoàn thành báo cáo Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Nhóm PVKT
[links()]

Ý kiến bạn đọc