“Ngổn ngang” khu, cụm công nghiệp (Kỳ 1)
Dak Lak hiện có 1 khu công nghiệp (KCN) và 11 cụm công nghiệp (CCN), nhưng hầu hết hạ tầng cơ sở kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện. Đây là vấn đề khó khăn của hầu hết các địa phương bởi nó ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
CCN Trường Thành Ea H’leo sau 5 năm phê duyệt quy hoạch nhưng đến nay hạ tầng kỹ thuật chỉ để cỏ mọc! |
Theo quy trình, trước khi mời nhà đầu tư, các KCN-CCN phải bảo đảm về hạ tầng cơ sở như: hệ thống đường giao thông, điện; cấp, thoát nước... Còn nếu cho phép DN đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN-CCN, địa phương phải bàn giao mặt bằng "sạch" cho các DN triển khai thi công. Tuy nhiên, hai yêu cầu trên vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ trong khi đất thì vẫn được giao cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thuê. Đơn cử như CCN Trường Thành Ea H’leo nằm trên địa bàn thị trấn Ea Đrăng và xã Ea Ral huyện Ea H’leo, được phê duyệt quy hoạch xây dựng từ năm 2007 với tổng diện tích 50 ha. Theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu, đây là CCN do UBND huyện Ea H’leo làm chủ đầu tư, quản lý, tập trung các nhà máy, xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường với đa ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng là các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khoáng sản. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách huyện không thể đảm đương, năm 2009, sau khi kêu gọi được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần quản lý CCN Trường Thành Ea H’leo, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng CCN do đơn vị này làm chủ đầu tư với tổng mức trên 157,6 tỷ đồng. Các hạng mục đầu tư gồm: san nền tổng thể 50 ha; hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, nước, hệ thống thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải tập trung, cổng tường rào bảo vệ. Nguồn vốn đầu tư theo chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp của tỉnh, trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 41,6 tỷ đồng cho các hạng mục: khảo sát đo đạc, lập dự án đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý nước thải tập trung, cổng tường rào, đường trục chính. Các hạng mục còn lại với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, giao cho chủ đầu tư. Theo cam kết của chủ đầu tư: trong năm 2009, tập trung giải phóng mặt bằng, đến hết 2011, đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật, cuối năm 2012, các nhà máy trong cụm sẽ được lấp đầy. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa triển khai đầu tư được hạng mục công trình nào. Trong buổi làm việc giữa Phòng Kinh tế & Hạ tầng với đơn vị chủ đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng, khó khăn, vướng mắc làm ách tắc các hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp đó là do kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng đủ theo giá trị dự án được phê duyệt, cho nên công tác giải phóng mặt bằng và thu hồi đất không thể triển khai. Và khi chưa bàn giao được mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thì đương nhiên các hạng mục công trình không thể triển khai xây dựng. Và đó cũng là thực trạng chung của tình hình đầu tư xây dựng CCN hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Đường trục chính CCN Ea Đar thi công còn dang dở nên gây nhiều khó khăn cho DN trong việc vận chuyển hàng hóa sản phẩm. |
Ông Lê Ngọc Hậu, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện Ea H’leo cho biết, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN quá chậm đã ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư của địa phương. Trong những năm qua, mỗi năm bình quân có hàng chục lượt nhà đầu tư đến huyện tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương, tuy nhiên, do hạ tầng của CCN còn khá “ngổn ngang” nên không mấy doanh nghiệp mặn mà với địa phương. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Ea H’leo có khoảng 60 cơ sở chế biến lâm sản, nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp cần được nhanh chóng di dời vào CCN nhưng với tình hình đầu tư như hiện nay thì cũng rất khó. Nếu các cơ sở này chậm được di dời sẽ gây trở ngại cho công tác quản lý (nhất là đối với các cơ sở chế biến lâm sản) cũng như ảnh hưởng đến môi trường.
Còn với CCN Ea Đar (Ea Kar), mặc dù đến nay có 7 cơ sở đã đi vào sản xuất kinh doanh nhưng do hạ tầng chưa được hoàn thiện nên cũng ảnh hưởng nhất định đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Kim Phổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, do địa phương không kêu gọi được nhà đầu tư hạ tầng nên mọi hoạt động xây dựng CCN Ea Đar đều trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Trong những năm qua, ngân sách tỉnh đã bố trí khoảng 26,6 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng tại Cụm, trong đó 17 tỷ cho đền bù giải phóng mặt bằng, số còn lại là làm đường trục chính, xây tường rào. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng tường rào bao quanh đã cơ bản hoàn thành, riêng đường trục chính còn đoạn đầu tuyến, đấu nối giữa đường giao thông trục chính với Quốc lộ 26 thi công ách tắc trong nhiều năm liền do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Cho đến tháng 9-2011, khi đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thì lại lâm vào tình trạng thiếu vốn nên cũng không thể triển khai thi công. Chính sự đầu tư dang dở này đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giày dép Việt Thắng chia sẻ, năm 2008, đơn vị đã được UBND tỉnh cho Công ty thuê với tổng diện tích trên 1 ha đất tại lô D3a CCN Ea Đar để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày dép nhựa, tổng vốn đầu tư của dự án là 13 tỷ đồng, với công suất 3 triệu đôi/năm. Sau khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, DN luôn đối mặt với nhiều khó khăn khi hạ tầng trong CCN chưa được hoàn thiện. Đường giao thông trục chính còn dở dang nên khó khăn trong việc vận chuyển sản phẩm, nhất là vào mùa mưa. Chưa kể đến, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hơn 100 công nhân, lao động cũng thiếu thốn, chủ yếu sử dụng nguồn nước bằng giếng đơn vị tự khoan… Và đây gần như cũng là khó khăn của rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN Ea Đar nói riêng, KCN và các CCN trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Kỳ 2: Áp lực môi trường
Ý kiến bạn đọc