Multimedia Đọc Báo in

“Ngổn ngang” khu, cụm công nghiệp (Kỳ 2)

09:17, 25/11/2011
†Kỳ 2: Áp lực môi trường

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN) nếu phát triển thiếu đồng bộ, dàn trải sẽ không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn gây ô nhiễm môi trường… Cảnh báo này mang  ý nghĩa thiết thực khi các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đang nằm trong thực trạng chung cứ mở ra nhưng không kêu gọi được đầu tư cho các công trình hạ tầng mà chỉ dựa vào ngân sách nên hiệu quả không như mong muốn.

Mạnh ai nấy xử và xả
Cụm công nghiệp (CCN) Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột) đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, thế nhưng điều nhức nhối nhất vẫn là chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì vậy gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN), và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng kề cận. Theo ông Phan Xuân Mạo, Trưởng Phòng Công thương TP. Buôn Ma Thuột, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải và nhà máy xử lý nước thải tập trung khá tốn kém, lại phụ thuộc vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nên càng gặp khó khăn. Và đây gần như là hạng mục cuối cùng được đầu tư trong khi đáng lý ra nó phải được ưu tiên hàng đầu. Với 30 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại CCN, dù được sàng lọc khá kỹ là những đơn vị mà hoạt động sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường nhưng hằng ngày vẫn xả ra môi trường một lượng nước khá lớn. Lượng nước này tuy đã qua xử lý ban đầu của DN, sau đó cho thẩm thấu xuống đất hoặc xả trực tiếp ra suối Ea Bưr nhưng không ai dám chắc nước khi xả ra môi trường là đạt chuẩn cho phép, và hệ lụy của việc mạnh ai nấy xử lý, mạnh ai nấy xả, sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân vùng lân cận. Còn như ở CCN Ea Đar, do cũng chưa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nên các đơn vị sản xuất kinh doanh ở đây cũng chủ yếu tự xử lý rồi mặc nhiên xả thẳng ra môi trường. Công ty Cổ phần Vinamit được UBND tỉnh quyết định cho thuê với diện tích 75.011m2 đất tại lô B1 đến B16 CCN Ea Đar (theo Quyết định số 3102/QĐ-UB ngày 13-11-2008), đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây, củ quả sấy khô tổng vốn đầu tư của dự án là 84 tỷ đồng với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm đã đi vào hoạt động, nếu hoạt động hết công suất, bình quân mỗi ngày nhà máy này phải xả 200 m3 nước thải ra môi trường. Mặc dù, hiện nay Công ty đã lắp đặt, xây dựng hệ thống xử lý nước thải của nhà máy nhưng không biết phải đấu nối vào đâu khi CCN chưa có Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Và giải pháp tình thế là đơn vị phải đào rãnh rồi xả trực tiếp ra môi trường.

Ảnh bên: Hệ thống nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Phú vừa được đầu tư xây dựng trong năm 2011.
Hệ thống nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Phú vừa được đầu tư xây dựng trong năm 2011.
Nan giải vốn đầu tư
Ngoài KCN Hòa Phú đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất xử lý 2.900 m3/ngày, đêm, hiện đang trong quá trình hoàn thiện, tiến hành nghiệm thu, vận hành chạy thử, còn lại các CCN trên địa bàn tỉnh đều chưa được đầu tư hạng mục này. Hệ thống thoát nước thải và nhà máy xử lý nước thải tập trung CCN Tân An đã được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2010 với quy mô trạm xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 5945-2005, công suất 2.500 m3/ngày, mạng lưới cống thoát nước đấu nối với tất cả các nhà máy có tổng chiều dài 5.200m... kinh phí 36 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, đã 1 năm trôi qua vẫn chưa triển khai do chưa được bố trí vốn. Nhà máy xử lý nước thải tập trung CCN Ea Đar thì UBND huyện Ea Kar chỉ mới có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét ghi vốn đầu tư trong năm 2012 với tổng mức khoảng 15 tỷ đồng. Còn với CCN Krông Buk1 (CCN Buôn Hồ cũ), mặc dù đã có 10 dự án đăng ký đầu tư, (trong đó 3 đơn vị đã đi vào hoạt động, 7 đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng nhà xưởng) nhưng hệ thống xử lý nước thải tập trung cùng với hàng loạt hạng mục: nền, mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước mưa, cấp điện, điện chiếu sáng, cấp nước với tổng vốn đầu tư trên 229 tỷ đồng vẫn đang trình phê duyệt. Như ông Huỳnh Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Krông Buk trao đổi, ngoài một số hạng mục đầu tư đã hoàn thành: lưới điện trung áp và trạm biến áp (giai đoạn 1); dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ; đền bù giải phóng mặt bằng; đường giao thông trục chính bên trong cụm (giai đoạn 1) và đường giao thông trục chính nối từ quốc lộ 14 vào cụm với tổng vốn được ngân sách tỉnh đã bố trí 39,6 tỷ đồng, hạ tầng kỹ thuật CCN Krông Buk1 vẫn còn khá ngổn ngang. Để đầu tư hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật toàn CCN cần thêm một lượng vốn khoảng trên 258 tỷ đồng. Đây là áp lực khá lớn cho ngân sách của địa phương.

Có thể nhận thấy, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ở các KCN-CCN hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là hệ thống xử lý nước thải đòi hỏi vốn đầu tư khá cao nên rất khó triển khai một cách đồng bộ. Dẫu biết rằng, công nghiệp phát triển sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng nếu thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức đến vấn đề môi trường thì những hệ lụy của nó sẽ khó lường. Chính vì vậy, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các KCN-CCN cũng nên tính đến sự tập trung, tránh dàn trải bởi việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng là hết sức khó khăn trong khi đó nguồn vốn ngân sách lại không thể đảm đương.

Lê Hương

Kỳ cuối: Những trăn trở, băn khoăn từ bài toán hiệu quả

[links()]


Ý kiến bạn đọc