Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tân Lập: Kẻ chịu án tù, người lãnh nợ oan
Với cái “mác” là cán bộ ngân hàng, Võ Thị Hồng Điệp (SN 1966), trú tại 236/18 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột đã lừa đảo chiếm đoạt của 12 gia đình với tổng số tiền lên đến hơn 23,2 tỷ đồng. Thậm chí Điệp còn phù phép chiếm đoạt của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Tân Lập (gọi tắt là Chi nhánh Tân Lập), trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Buôn Hồ 920 triệu đồng. Vụ việc đã được TAND đưa ra xét xử, tuy nhiên, hậu quả của vụ án này xem ra vẫn chưa có hồi kết…!
Từ “Đơn kêu cứu” của công dân, phóng viên Báo Dak Lak đã tiến hành điều tra xác minh và đã xác nhận được hiện có hàng chục hộ gia đình đang phải lâm vào tình cảnh điêu đứng vì nợ nần do bị “sập bẫy” một cán bộ ngân hàng. Vụ án đã được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý, tuy nhiên hậu quả của vụ án này cùng với sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của Chi nhánh Tân Lập đã khiến nhiều người đang phải lãnh nợ oan.
Với vỏ bọc là cán bộ ngân hàng, lợi dụng sự quen biết của nhiều người, Võ Thị Hồng Điệp sử dụng chiêu vay tiền để đáo hạn ngân hàng, đi huy động vốn cho ngân hàng, thậm chí còn lấy sổ đỏ đang được thế chấp tại ngân hàng ra ngoài để cầm cố chiếm đoạt tài sản…
Theo trình bày của bà Hoàng Thị Khánh, trú tại 106/13 đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột thì vào ngày 29-1-2010, bà cùng chồng là Nguyễn Văn Sơn mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) đến làm thủ tục thế chấp tại Chi nhánh Tân Lập để vay 300 triệu đồng. Không cần kiểm định giá trị tài sản thế chấp, cán bộ tín dụng của Chi nhánh Tân Lập là Võ Thị Hồng Điệp đã sốt sắng giải quyết hồ sơ vay vốn nhanh gọn và trình lãnh đạo ký duyệt cho bà Khánh vay 300 triệu đồng với mục đích "mua xe ô tô và đồ dùng sinh hoạt" (theo Hợp đồng tín dụng số 5220-LAV-2010.00101). Tuy nhiên khi bà Khánh đã ký vào phiếu chi để nhận tiền vay thì Điệp lại hẹn vài hôm nữa mới giao tiền, vì đang cuối tháng ngân hàng phải kiểm quỹ (?) Bà Khánh năn nỉ mãi vì cần gấp 40 triệu đồng để về chữa bệnh cho chồng, nên Điệp mới chịu đưa trước số tiền này. Đúng hẹn 3 ngày sau, bà Khánh đến trụ sở Chi nhánh Tân Lập nhận tiền nhưng không gặp Điệp. Tại đây, bà gặp được ông Hoàng Văn Nguyên, lúc này đang là Quyền Giám đốc Chi nhánh Tân Lập và ông Lương Ngọc Hoàng, Trưởng Phòng Tín dụng Chi nhánh Tân Lập. Hai người này lại hứa bảo bà cứ yên tâm về, ngân hàng sẽ có trách nhiệm gửi lại số tiền chưa được nhận... Bà Khánh tiếp tục đến đòi tiền và được ông Lương Ngọc Hoàng đưa thêm 30 triệu đồng. Sau đó bà Khánh đã nhiều lần đến đòi số tiền còn lại thì được Điệp gán cho một chiếc xe máy đã qua sử dụng với giá 30 triệu đồng... Như vậy, tổng cộng bà Khánh chỉ nhận được vỏn vẹn 100 triệu đồng trên tổng số 300 triệu đồng mà gia đình bà đã thế chấp tài sản trong hợp đồng vay vốn.
Với tư cách là cán bộ tín dụng của Chi nhánh Tân Lập đi huy động vốn, ngày 27-1-2010, Võ Thị Hồng Điệp đến nhà bà Nguyễn Thị Hiền ở địa chỉ 198 - Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột "bật mí” “thông tin nội bộ” rằng gửi tiết kiệm sẽ được trúng thưởng vàng 9999. Là chỗ quen biết, bà Hiền không một chút nghi ngờ dốc hết tiền sẵn có và huy động thêm của người thân được 2,4 tỷ đồng đến giao cho Điệp tại trụ sở Chi nhánh Tân Lập. Ngay trong ngày hôm sau, 28-1, bà Hiền tiếp tục huy động tiền rồi đến giao thêm cho Điệp 900 triệu đồng. Theo bà Hiền cho biết thì cả hai lần bà đến giao tiền tại trụ sở Chi nhánh Tân Lập đều có sự chứng kiến của ông Nguyên và ông Hoàng. Thậm chí bà còn đưa cho ông Hoàng ký nợ nhưng Hoàng bảo chỉ cần một mình Điệp ký là được rồi. Cũng theo trình bày của bà Hiền, vào ngày 9-2-2011, khi đến thời hạn rút tiền, bà tìm cách liên hệ nhưng không gặp được Điệp. Bà tìm đến gặp ông Hoàng và được Hoàng hứa 3 ngày nữa, tiền từ Hà Nội chuyển về là hoàn trả ngay(?!)… Cho đến thời điểm này, sau khi Điệp và Hoàng lãnh án tù, bà Hiền đang phải ôm số nợ trên 3 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27-2-2009 và ngày 31-3-2009, Điệp đến nhà bà Trần Thị Bạch Yến ở 77 Trần Hưng Đạo, TP Buôn Ma Thuột nói là cần tiền để kinh doanh nông sản rồi vay của bà Yến 600 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng và hẹn cuối năm trả. Một thời gian sau, trong các ngày 16 và 23-11-2009, với tư cách là cán bộ tín dụng của Chi nhánh Tân Lập, Điệp đã đến nhà đặt vấn đề với bà Yến huy động tiền tiết kiệm cuối năm cho ngân hàng để lấy chỉ tiêu. Tin Điệp, bà Yến tiếp tục cho Điệp vay 1,34 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng. Đến hạn trả số nợ trước, Điệp chỉ trả cho bà Yến 400 triệu đồng. Sau đó, ngày 3-2-2010, Điệp đem 2 sổ đỏ mang tên Hoàng Văn Hùng và 1 sổ đỏ mang tên Dương Thị Kim Hoa (sổ đỏ này đang được ông Hùng và bà Hoa thế chấp cho Chi nhánh Tân Lập để vay vốn) đến thế chấp cho bà Yến và hẹn 10 ngày sau ngân hàng sẽ trả đủ. Đến hẹn, bà Yến lại nhận được điện thoại của ông Hoàng hẹn thêm 5 ngày nữa sẽ giải quyết vì “mạng của ngân hàng bị "treo"(!?)... 5 ngày sau (tức ngày 10-2-2010 cũng là ngày 27 Tết Canh Dần) bà Yến đến Chi nhánh Tân Lập gặp Điệp và Hoàng, cả hai lại khất bảo bà Yến về đợi ra Giêng giải quyết vì đã nghỉ Tết... Sau đó, ngày 7-3-2010, đích thân ông Nguyên và ông Hoàng đi xe của Chi nhánh Tân Lập đến nhà gặp bà Yến hứa sẽ khắc phục, giải quyết... Tuy nhiên từ đó đến nay bà Yến vẫn không thấy ai đến gặp bà để “giải quyết” như đã hứa. Cũng như bà Hiền, gia đình bà Yến hiện cũng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ nần...
Ngoài 3 trường hợp kể trên thì còn tổng cộng 9 trường hợp khác cũng đang là nạn nhân tương tự của Điệp. Một số trường hợp cụ thể như: bà Đỗ Thị Hòa (trú tại 188 - Nơ Trang Gưh, TP. Buôn Ma Thuột) bị Điệp lừa chiếm đoạt 8,16 tỷ đồng; bà Trần Thị Oanh (117/15 Ama Khê, Buôn Ma Thuột) bị lừa 1,55 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Thành và bà Vũ Thị Phúc Ân mỗi người bị lừa 2 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Hồng Ân và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy mỗi người 1,1 tỷ đồng; bà Ngô Thị Liên hơn 1 tỷ đồng…
Ý kiến bạn đọc