Multimedia Đọc Báo in

Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tân Lập: Kẻ chịu án tù, người lãnh nợ oan (Kỳ 2)

09:26, 02/12/2011
Kỳ 2: Tài sản thế chấp cho ngân hàng “không cánh mà bay” (!)

Không chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bên ngoài, Võ Thị Hồng Điệp còn “phù phép” rút sổ đỏ của một số cá nhân, doanh nghiệp đang thế chấp vay vốn tại Chi nhánh Tân Lập đem ra ngoài cầm cố. Hậu quả của hành vi này đã khiến cho nhiều người đang rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”, “có nhà mà cũng như không”. Thậm chí nhiều người đã phải mất oan tiền tỷ do bị phạt bồi thường hợp đồng mua bán tài sản…

Ngày 28-12-2009, ông Phạm Văn Hùng, chủ Doanh nghiệp Tư nhân Thương mại và Vận tải Hoàng Anh (có trụ sở ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) mang Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số 4001110141, do UBND tỉnh cấp ngày 11-9-2002 đến Chi nhánh Tân Lập thế chấp vay 1,7 tỷ đồng (theo Hợp đồng tín dụng số 5220-LAV-2009.01021). Hơn 3 tháng sau, ông Hùng mang tiền cả gốc lẫn lãi đến trả nợ ngân hàng để lấy giấy tờ về nhưng bên cho vay không chịu nhận tiền, cũng không giải thích lý do. Sau đó ông Hùng đã nhiều lần mang tiền đến năn nỉ xin được trả nợ nhưng Chi nhánh Tân Lập kiên quyết từ chối. Sau đó không lâu, ông Hùng bất ngờ được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh mời đến lấy lời khai thì mới biết được “hung tin” là tài sản thế chấp của mình đã bị cán bộ ngân hàng lấy ra ngoài cầm cố. Trớ trêu hơn là trong khi đang thế chấp tài sản tại ngân hàng, ông Hùng đã làm hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất cho vợ chồng ông Hồ Công Hoàng và bà Ban Thị Thanh Vân với giá 4 tỷ đồng. Dù 2 bên đã làm xong thủ tục đặt cọc nhưng vì ngân hàng không trả sổ đỏ nên không làm được thủ tục sang tên đổi chủ. Hợp đồng mua bán đã ký, ông Hùng đành phải bấm bụng trả đủ 1,6 tỷ đồng tiền phạt cọc cho bên mua. Bức xúc, ông Hùng đã nhiều lần làm văn bản yêu cầu Chi nhánh Tân Lập bồi thường thiệt hại nhưng không được ngân hàng trả lời…

Tương tự trường hợp ông Hùng, ngày 8-1-2010, bà Dương Thị Kim Hoa trú tại phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột cùng chồng mang giấy tờ nhà đất đến vay tại Chi nhánh Tân Lập 400 triệu đồng (theo Hợp đồng tín dụng số 5220-LVA-2010.00013). Ngày 10-2-2010, vợ chồng bà Hoa chuyển nhượng nhà và đất nói trên cho bà Trần Anh Thúy Quỳnh với giá 1,05 tỷ đồng và đã nhận của bà Quỳnh 300 triệu đồng tiền cọc. Tuy nhiên khi đến trả nợ tiền vay để lấy sổ đỏ về thì cán bộ Chi nhánh Tân Lập lại tìm cách lảng tránh và kéo dài thời gian. Đến khi công an mời lên lấy lời khai, bà Hoa mới biết tài sản thế chấp của mình đã bị cán bộ ngân hàng đưa ra ngoài cầm cố. Đang hoang mang thì bà Hoa lại bị bà Quỳnh khởi kiện đòi phạt cọc gấp đôi vì vi phạm hợp đồng. Điều trớ trêu hơn nữa là mặc dù không chịu cho bà Hoa thanh toán nợ (do đã làm mất sổ đỏ -  có nghĩa là đã vi phạm hợp đồng) nhưng sau đó cán bộ Chi nhánh Tân Lập vẫn yêu cầu gia đình bà Hoa phải đóng tiền lãi kèm theo lời hăm dọa: Nếu không đóng thì ngân hàng sẽ gửi thông báo đến cơ quan chồng bà đang công tác(!). Vì chồng đang là cán bộ Nhà nước, sợ ảnh hưởng đến uy tín nên ngày 8-9-2010, bà Hoa đành phải mang 22,14 triệu đồng đến đóng tiền lãi suất…

Cùng hoàn cảnh với ông Hùng, bà Hoa nhưng trường hợp của vợ chồng ông Trương Châu Thành và bà Nguyễn Thị Huệ ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột bi đát hơn nhiều. Ngày 24-12-2009, ông bà đưa sổ đỏ đến Chi nhánh Tân Lập thế chấp vay 800 triệu đồng (theo Hợp đồng tín dụng số 5220-LAV-200901017). Không hề biết chuyện tài sản thế chấp đã bị đưa ra ngoài cầm cố nên ngày 5-12-2010, vợ chồng bà Huệ quyết định chuyển nhượng toàn bộ nhà và đất cho vợ chồng ông Trần Quang Liêu và bà Trương Thị Lập với số tiền 12 tỷ đồng. Sau khi nhận 2 tỷ đồng tiền cọc, bà Huệ đến trả tiền gốc và lãi để lấy sổ đỏ về nhưng cán bộ Chi nhánh Tân Lập viện đủ lý do không chịu thu tiền. Bà Huệ xin phô-tô sổ đỏ thì cán bộ ở đây bắt bà phải đóng 50.000 đồng tiền lệ phí… Sau đó người này đã trả lại tiền mà cũng không phô-tô sổ đỏ cho bà. Bức xúc, bà Huệ làm đơn khiếu nại việc làm tắc trách trên thì ngày 25-12-2010, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Buôn Hồ có văn bản trả lời rằng: “Do cán bộ tín dụng, Trưởng phòng kinh doanh đơn vị chưa trả lời và giải thích đầy đủ cho bà Huệ nắm đầy đủ thông tin “vụ việc Võ Thị Hồng Điệp lấy cắp sổ đỏ” để khách hàng thông cảm và chia sẻ cùng với ngân hàng khi bị mất cắp tài sản tại đơn vị; cho nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Buôn Hồ chân thành xin lỗi bà…”. Trả lời việc bà Huệ sẽ bị phạt cọc gấp đôi nếu vi phạm hợp đồng, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Buôn Hồ “khuyên” bà trong văn bản rằng: “nên thỏa thuận với khách hàng mua lô đất nói trên để tạm hoãn vì sổ đỏ bị đem đi cầm cố ở ngoài chưa thu hồi được…”(!) Quá hạn thực hiện hợp đồng chuyển nhượng tài sản, vợ chồng bà Huệ đành phải bán 2 xe ô tô tải, 2 xe máy và toàn bộ vật dụng có giá trị của gia đình, ngoài ra còn đi vay thêm bên ngoài 600 triệu đồng nữa mới đủ để nộp 4 tỷ đồng tiền phạt cọc. Đã vậy, trong các ngày 21 và 30-6-2011, gia đình bà Huệ còn liên tục nhận được 2 “Thông báo nộp gốc và lãi” và “Thông báo nợ quá hạn” của Chi nhánh Tân Lập, yêu cầu bà phải trả 800 triệu đồng tiền gốc và gần 145,6 triệu đồng tiền lãi!?

Được biết, ngoài 3 trường hợp kể trên thì còn có nhiều nạn nhân nữa cũng bị Chi nhánh Tân Lập làm mất sổ đỏ, hiện đang trong tình cảnh "có nhà mà cũng như không", tài sản không thể mua bán, chuyển nhượng và thực hiệc các giao dịch khác được.

Việt Cường

Kỳ cuối: Bản án có bỏ lọt người, sót tội?

[links()]


Ý kiến bạn đọc