Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tân Lập: Kẻ chịu án tù, người lãnh nợ oan (Kỳ cuối)
Hành vi phạm tội của Võ Thị Hồng Điệp đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Dak Lak khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ngày 18-3-2010. Ngày 19-5-2011, TAND tỉnh đã đưa vụ án này ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Thị Hồng Điệp mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Lương Ngọc Hoàng cũng phải chịu mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Mới đây, TAND Tối cao đã xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên y án mức án của phiên tòa sơ thẩm…
Mặc dù vụ án đã được xử tới phiên phúc thẩm, nhưng kết quả của bản án vẫn chưa giải tỏa được những bức xúc của dư luận, do có nhiều tình tiết không được các cơ quan tố tụng làm sáng tỏ…
Theo hồ sơ và bản án sơ thẩm số 26/2011/HSST của TAND tỉnh Dak Lak thì ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 12 người với tổng số tiền hơn 23,2 tỷ đồng, Điệp còn chiếm dụng của Chi nhánh Tân Lập 920 triệu đồng. Cụ thể, trong thời gian cuối năm 2009, đầu năm 2010, có 4 khách hàng đến hạn trả nợ ngân hàng gồm Lê Nguyễn Quang Huy 120 triệu đồng, Nguyễn Xuân Lâm 330 triệu đồng, Nguyễn Thị Lan 90 triệu đồng và Vũ Thị Út 380 triệu đồng có nhờ Điệp giúp đáo hạn ngân hàng. Điệp giới thiệu 4 người này vay của Nguyễn Phi Hải tổng cộng 920 triệu đồng rồi đưa cho Điệp để thanh toán nợ ngân hàng và làm thủ tục vay mới. Nhận 920 triệu đồng, Điệp không nộp tiền thanh toán nợ đến hạn cho ngân hàng mà đề nghị Trưởng Phòng Tín dụng Lương Ngọc Hoàng và Quyền Giám đốc Hoàng Văn Nguyên ký duyệt cho mượn hồ sơ vay vốn có tài sản thế chấp của 4 khách hàng trên ra khỏi kho, sau đó lập chứng từ xóa thế chấp cho hồ sơ của Lê Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Xuân Lâm, Vũ Thị Út, còn hồ sơ của Nguyễn Thị Lan thì làm phụ lục hợp đồng rồi nói dối với Nguyên rằng khách hàng đã trả hết nợ nên Nguyên đã ký xóa đăng ký thế chấp tài sản. Sau đó Điệp hướng dẫn các khách hàng làm hồ sơ vay vốn và Điệp đã lấy tài sản thế chấp (sổ đỏ) ở hồ sơ cũ đưa vào hồ sơ xin vay mới đứng tên đồng chủ sở hữu. Sau khi ngân hàng giải ngân, 4 khách hàng trên đã trả 920 triệu đồng cho Hải, còn Điệp cũng chiếm đoạt của Chi nhánh Tân Lập 920 triệu đồng. Sau khi sự việc bị phanh phui, Hoàng đã “tự nguyện bồi thường” gần 244 triệu đồng và Nguyên “bồi thường thiệt hại” cho Chi nhánh Tân Lập gần 49 triệu đồng.
Như vậy, rõ ràng đối với hành vi vừa nêu trên của Võ Thị Hồng Điệp là phạm vào tội “Tham ô tài sản”. Bởi lẽ, Điệp là cán bộ tín dụng của Chi nhánh Tân Lập, được giao nhiệm vụ theo dõi và thu hồi khoản dư nợ 920 triệu đồng của 4 khách hàng như đã nêu trên. Tuy nhiên, khi các khách hàng đến trả nợ ngân hàng, Điệp không thu tiền nộp lại cho thủ quỹ mà lại chiếm đoạt luôn số tiền mà mình có trách nhiệm quản lý. Đối với hành vi phạm tội này của Điệp, trước đó TAND tỉnh đã trả hồ sơ yêu cầu Viện Kiểm sát truy tố Điệp về tội “Tham ô tài sản” nhưng không được Viện chấp nhận. Vì lẽ đó, tòa đành bỏ qua tội “Tham ô tài sản” cho Điệp?
Bên cạnh đó, theo hồ sơ vụ án thì cả 4 bộ hồ sơ mà Điệp làm thủ tục xóa thế chấp và cho vay mới để tham ô 920 triệu đồng đều do Hoàng Văn Nguyên, Quyền Giám đốc Chi nhánh Tân Lập lúc đó ký duyệt. Rõ ràng với cương vị của mình, Nguyên phải biết rõ quy trình, thủ tục ký duyệt hồ sơ chứ không thể chối tội được. Vậy nhưng, các cơ quan tố tụng vẫn nhận định cho rằng Nguyên đã bị Điệp lừa?
Ngoài chuyện ký duyệt hồ sơ, tạo điều kiện cho Điệp phạm tội tham ô tài sản, Hoàng và Nguyên còn duyệt chứng từ giải ngân cho khách hàng khi tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay chưa nhập kho đối với 7 hồ sơ vay vốn của khách hàng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Điệp có thể dễ dàng lấy 8 sổ đỏ là tài sản thế chấp của khách hàng đưa ra ngoài lừa đảo. Hành vi của Hoàng và Nguyên rõ ràng là có dấu hiệu phạm tội “cố ý làm trái” và tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thế nhưng hành vi này vẫn không được tòa sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm điều tra làm rõ để bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội.
Cũng theo nội dung bản án thì các cơ quan tố tụng vẫn chưa làm rõ được Điệp sử dụng số tiền hơn 24 tỷ đồng (gồm 23,2 tỷ đồng lừa đảo chiếm đoạt của 12 cá nhân và 920 triệu đồng tham ô của Chi nhánh Tân Lập) vào mục đích gì?, trong khi Điệp chưa có chồng con, đang ở với bố mẹ và không có bất cứ tài sản gì! Theo lời khai của Điệp tại cơ quan điều tra cũng như trước tòa thì Điệp đã đưa 24 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Tú và bà Trần Thị Xuân Lan vay lại, nhưng Điệp lại không có giấy tờ gì chứng minh và cũng không biết địa chỉ cụ thể của ông Tú, bà Lan ở đâu? Tại tòa, dù HĐXX cho rằng lời khai này là không có cơ sở để chấp nhận, nhưng tòa không trả hồ sơ để làm rõ mà vẫn tuyên Điệp mức án tù chung thân và bồi thường toàn bộ số tiền trên?
Từ những phân tích có cơ sở trên, cùng với lời khai của các bị hại về một số tình tiết quan trọng như: Trước và sau khi Điệp bị bắt, Hoàng và Nguyên có đến nhà một số bị hại cũng như gọi điện để thương lượng và hứa sẽ thu xếp trả tiền..., có thể đưa ra nhận định thuyết phục rằng: Hoàng và Nguyên không chỉ biết rất rõ quá trình phạm tội của Điệp mà ít nhiều còn có sự tiếp tay, thông đồng trong hành vi phạm tội của Điệp.
Được biết, trong phiên tòa phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao vừa qua, vị đại diện Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm soát xét xử - VKSND Tối cao tại Đà Nẵng giữ quyền Công tố tại tòa cho rằng: cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, đã bỏ lọt tội “Tham ô tài sản” và tội “Cố ý làm trái”, không điều tra số tiền hơn 24 tỷ Điệp đã sử dụng làm gì… Từ đó, xử lý trách nhiệm hình sự và dân sự chưa đúng pháp luật, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được… Vị này cũng đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 250 Bộ Luật tố tụng Hình sự hủy bản án HSST số 26 ngày 19-5-2011, của TAND tỉnh Dak Lak để điều tra lại.
Liên quan đến trình tự thủ tục vay vốn tại Chi nhánh Tân Lập, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Dak Lak cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành giám định thiệt hại của 11 bộ hồ sơ vay vốn liên quan trong vụ án. Theo đó, về trình tự, thủ tục vay và bảo đảm tiền vay của 11 hồ sơ vay vốn đều trái với quy định của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trái với quy chế cho vay của tổ chức tín dụng và các biện pháp bảo đảm tiền vay trong hệ thống ngân hàng và quản lý giấy tờ bảo đảm tiền vay. Cụ thể tại 11 bộ hồ sơ vay không chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, trong đó có 1 hồ sơ cho vay vượt tỷ lệ quy định. Chi nhánh Tân Lập đã không lập phiếu nhập kho tài sản bảo đảm theo quy định của ngân hàng mà thực hiện việc giao nhận trên sổ tay của cán bộ tín dụng do thủ quỹ lưu giữ; không nhập kho tài sản bảo đảm tiền vay... |
Ý kiến bạn đọc