Multimedia Đọc Báo in

Góc nhìn từ Khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C

09:47, 25/04/2013

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ đã khép lại, nhưng dù gì đi nữa thì chiến tranh vẫn mãi gây đau thương cho cả hai phía. Vẫn chảy mãi trong huyết quản của mỗi người dân Việt cũng như dân Mỹ về nỗi đau thương, mất mát bởi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Buổi chiều mùa thu ấy, nước mắt bao người đến đây đã rơi, nhòe thấm ướt những lá thư đang trải thảm dưới chân Bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington, D.C – Thủ đô của nước Mỹ…

Cuối tháng 10 năm 2011, Đoàn nhà báo Việt Nam chúng tôi - có cuộc hành trình từ bờ Đông sang bờ Tây trên đất nước Hoa Kỳ, mà điểm đến đầu tiên là Washington D.C.

Trước khi sang Mỹ, nhiều người bạn nhắn nhủ tôi nếu có tới Thủ đô Washington hãy đến thăm Khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam một lần cho biết. Nhưng, sau khi đã đến Khu tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ II, nằm ngay cạnh Khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, tôi cứ dùng dằng mãi không biết có nên vào hay dừng lại ở bên ngoài. Bởi thật lòng không muốn thăm viếng hoặc tưởng niệm những người lính Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam.

Khu tưởng niệm các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, tọa lạc trong công viên quốc gia thoáng đãng mang tên National Mall ở trung tâm Washington – nơi có rất nhiều đài kỷ niệm. Đấy là bức tường hình chữ V được ghép từ 72 tấm đá hoa cương màu đen, ghi tên những người Mỹ chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bức tường dài 75m, cao 3m. Lúc  khánh thành vào ngày 13 tháng 11 năm 1982, bức tường có tên của 57.939 lính Mỹ đã chết hoặc mất tích tại chiến trường Việt Nam. Bức tường liên tục bổ sung tên của những binh lính mới được xác định, và hiện có tất cả 58.325 tên của các quân nhân nam nữ. Đứng ở bên ngoài, tôi thầm nghĩ, ai trong số những người có tên ở đây đã tham gia vào vụ thảm sát Mỹ Lai, ai đã rải chất độc da cam, ai đã ném bom B52 xuống thành phố Hà Nội?… Lòng đau nhói khi nghĩ về những người con nước Việt đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc. Liệu người dân Mỹ có biết chỉ riêng Nghĩa trang Trường Sơn của Việt Nam, đã có hơn 10 vạn nấm mộ liệt sĩ. Và, dưới màu cỏ xanh của Thành cổ Quảng Trị, ở Ngã ba Đồng Lộc, nơi địa ngục trần gian Côn Đảo – mỗi tấc đất đều thấm từng giọt máu những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và, nếu như tên tất cả những người dân Việt Nam đã chết trong cuộc chiến tranh chống Mỹ được khắc trên một phiến đá, thì chiều dài của nó phải dài hơn bức tường đen này rất nhiều lần! Xung quanh tôi lúc này, hoàng hôn đỏ quạch như vương máu…

Khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington, D.C  Ảnh: T.M.T
Khu tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C (Ảnh: T.M.T)

Đang miên man nghĩ ngợi, tôi chợt thấy một người phụ nữ bế một bé gái đang mặc bộ váy rất đẹp, tay cầm bó hoa tươi đi vào khu tưởng niệm. Nhìn vẻ mặt buồn man mác của người phụ nữ, tôi quyết định đi theo họ, và chứng kiến họ đặt hoa trước Bức tường chiến tranh Việt Nam. Người phụ nữ vừa khóc vừa bảo con gái cùng bà đọc một bức thư đã chuẩn bị sẵn, rồi đặt nó dưới chân tường. Họ ngồi rất lâu, trò chuyện thầm thì cùng nhau. Sau khi họ đi khỏi, tôi đi đến chỗ có bức thư, đặt bên cạnh rất nhiều bức thư, ảnh và hoa tươi dưới chân bức tường đen có khắc tên những người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Những dòng chữ nắn nót trên bức thư viết bằng tiếng Anh đập vào mắt tôi, xin tạm dịch như sau:

“Cha thân yêu!

Cha ơi! Từ ngày cha không trở về nữa trong cuộc chiến Việt Nam, không ngày nào con không nghĩ đến cha! Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao nhiêu giờ phút đã trôi qua, nhưng nỗi đau của con vẫn còn đó.  Con tiếc rằng, cha không còn sống để chứng kiến sự trưởng thành của con, và được gặp cháu ngoại của cha.

Cha ơi! Tại sao cha phải đến Việt Nam? Tại sao cha phải chết?”

Vâng, chỉ có Nhà Trắng và Lầu Năm góc mới trả lời được những bức thư như thế của chính người dân Mỹ - những mất mát, tổn thất mà họ đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong lịch sử hơn 200 năm, nước Mỹ đã can dự vào nhiều cuộc chiến tranh, nhưng chiến tranh xâm lược Việt Nam là dài nhất, tốn kém nhất và hao binh, tổn tướng nhất. Trong 11 năm 1 tháng kể từ ngày 22-12-1961 (người lính Mỹ đầu tiên chết ở Việt Nam), chi phí của Mỹ đổ vào cuộc chiến Việt Nam là 925 tỷ USD. Tính ra cứ mỗi phút, nước Mỹ phải chi khoảng 32.000 USD… Từng tấc đất của núi sông Việt Nam đều có máu xương của người Việt đổ xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước. Trên dải đất Việt mến yêu này - xã, huyện, tỉnh, thành phố nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Thế nhưng, vẫn chưa đủ! Còn bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam vẫn đang nằm lại trong rừng sâu, núi thẳm, dưới lòng sông Thạch Hãn, Ba Lòng, ở nơi Côn Đảo… mà phần mộ đến nay vẫn chưa được quy tập. Và, cho đến tận bây giờ thảm họa da cam do Mỹ gây ra vẫn mãi là nỗi đau của dân tộc Việt Nam. Còn cả mấy triệu người Việt Nam thuộc vài thế hệ đang mang trên mình những dị tật bẩm sinh – những di chứng của chất độc da cam! Những vết thương âm thầm vẫn tiếp tục đi qua nhiều thế hệ và nén chặt trong trái tim bao bà mẹ Việt Nam đã sống gần trọn đời mình với nỗi đau da cam chồng chất trên đôi vai gầy. Như thế, thì nỗi đau của người dân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam có thấm tháp gì đâu.

Các nhà báo Mỹ thuộc tập đoàn báo The Leader đang trao đổi với Đoàn nhà báo Việt Nam ở khu vực chứa chất độc da cam trước đây tại tiểu bang Arkansas
Các nhà báo Mỹ thuộc tập đoàn báo The Leader đang trao đổi với Đoàn nhà báo Việt Nam ở khu vực chứa chất độc da cam trước đây tại tiểu bang Arkansas. (Ảnh: T.M.T)

Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ đã khép lại, nhưng dù gì đi nữa thì chiến tranh vẫn mãi gây đau thương cho cả hai phía. Vẫn chảy mãi trong huyết quản của mỗi người dân Việt cũng như dân Mỹ về nỗi đau thương, mất mát bởi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Buổi chiều mùa thu ấy, nước mắt bao người đến đây đã rơi, nhòe thấm ướt những lá thư đang trải thảm dưới chân Bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington, D.C – Thủ đô của nước Mỹ…

Washington D.C – cuối tháng 10-2011

 Buôn Ma Thuột, đầu tháng 1-2013

Trương Minh Thắng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.