Multimedia Đọc Báo in

Những cột mốc đặc biệt trên biên giới phía Bắc

15:40, 14/08/2020

Trên tuyến biên giới phía Bắc, suốt chiều dài hơn 1.400 km từ Tây sang Đông, những cột mốc phân giới như những người lính lặng lẽ mà kiên định trấn giữ biên ải.

Dù trên chót vót non cao hay giữa mênh mông sóng nước, mỗi cột mốc đều thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, thắp lên niềm tự hào, ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia.

a
Bên cột mốc số 0 nơi cực Tây Tổ quốc

Nằm ở điểm cực Tây của Tổ quốc, trên đỉnh núi Khoang La San, thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, có độ cao 1.864m so với mực nước biển, cột mốc số 0 là một trong những cột mốc rất đặc biệt.

Điểm đặc biệt thứ nhất, đây là cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Theo nguyên tắc thì cột mốc biên giới được đánh số thứ tự lớn dần từ 0 đến khi hết biên giới. Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, thì cột mốc đầu tiên tại A Pa Chải huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, cột mốc cuối cùng là tại cửa sông Bắc Luân thuộc mũi Sa Vĩ thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Điểm đặc biệt thứ hai, đây là cột mốc có 3 mặt. Thông thường cột mốc phân định ranh giới giữa 2 quốc gia có hình trụ 2 mặt hướng sang 2 nước, còn cột mốc số 0 A Pa Chải nằm ở ngã ba biên giới phân định ranh giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc nên có hình trụ tam giác với 3 mặt quay về 3 hướng, mặt hướng về nước nào khắc tên nước và Quốc huy nước đó.  

Trước đây, đường lên cột mốc này rất hiểm trở, từ trung tâm xã Xín Thầu phải lội bộ băng rừng, vượt suối, leo đồi núi cả buổi mới đến nơi. Nay đã có đường bê tông men theo các vách núi nên có thể đi xe máy gần hết đoạn đường, nhưng phải tay lái vững vì đường dốc núi cao và quanh co, đi bộ một số đoạn rồi treo 500 bậc thang để lên tới cột mốc. Từ cột mốc có thể thu trọn vào tầm mắt không gian bao la, núi rừng hùng vĩ, trùng điệp đẹp như tranh vẽ của đất nước. Ngược về 2 hướng còn lại là có thể nhìn sang địa phận hai nước bạn Lào và Trung Quốc.

Trên tuyến biên giới này, nếu cột mốc đầu tiên nằm trên chót vót  non cao thì điểm cuối lại đặc biệt ở chỗ nằm giữa mênh mông sóng nước, tại cửa sông Bắc Luân thuộc mũi Sa Vĩ thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.  

a
Cột mốc 1369 tại đầu cầu Bắc Luân - Móng Cái

Trong số 2.000 cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, cột mốc được cắm đầu tiên vào năm 2001, mở đầu cho giai đoạn cắm mốc thực địa theo Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa hai nước là cột mốc kép 1369 (2) tại đầu cầu Bắc Luân thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Cột mốc nằm tại cửa khẩu Móng Cái là nơi giao thương hàng hóa rất nhộn nhịp giữa hai nước.

a
Cột mốc 836 (2) ở thác Bản Giốc.

Cột mốc cuối cùng được cắm trên tuyến vào năm 2009 là cột mốc ở thác Bản Giốc - cột mốc 836 (2) thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác có 2 thác phụ và 1 thác chính. Theo Hiệp ước, phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đường biên chạy theo sông nên theo thông lệ quốc tế mốc đôi được cắm đồng thời hai bên bờ sông, phía bên Việt Nam là mốc 836 (2).

a
Chiến sĩ biên phòng hướng dẫn người dân tham quan cột mốc biên giới tại Hà Giang

Trên tuyến biên giới, mỗi cột mốc đều có ý nghĩa đặc biệt, như cột mốc 79 ở cao độ gần 3.000 m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San, thuộc xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam; cột mốc số 92, nằm ở điểm ngã ba giữa sông Hồng và suối Lũng Pô, thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là điểm đầu tiên của đất Việt tiếp nhận nguồn nước từ dòng sông Hồng...

Được đến thăm cột mốc nào cũng là niềm vinh dự, tự hào với mỗi người dân và ai cũng có quyền đến thăm cột mốc trên đường biên nước mình. Tuy nhiên, khu vực biên giới có những nội quy riêng mà bất kỳ ai cũng phải tuân theo để đảm bảo an ninh, do đó muốn đến thăm cột mốc biên giới nơi nào trước hết cần liên hệ với lực lượng bộ đội biên phòng nơi đó sẽ nhận được sự trợ giúp và hướng dẫn tận tình của các chiến sĩ quân hàm xanh, những người trực tiếp tuần tra bảo vệ mốc giới, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Hoa Hồng


 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.