Multimedia Đọc Báo in

Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động USD xuống mức 3%/năm

08:49, 16/04/2011

Sau 2 ngày thực hiện thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD cho thấy, các ngân hàng đã nghiêm túc chấp hành đúng quy định.

a
Nhiều khách hàng đang tính đến việc đổi USD sang đồng Việt Nam để gửi tiết kiệm

Cụ thể, ngay trong ngày 13-4-2011 (ngày Thông tư 09 có hiệu lực thi hành), các ngân hàng đã đồng loạt công bố mức lãi suất huy động bằng USD mới với mức cao nhất là 3%/năm. Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm là mặt bằng lãi suất huy động USD đang lặp lại đúng kịch bản từng diễn ra với dòng vốn đồng Việt Nam, nghĩa là mức chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn rất thấp; hiện lãi suất huy động USD phổ biến ở mức 2,95%/năm – 3%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. 
 
 Lãi suất tiền gửi USD cao nhất chỉ còn 3%/năm cũng đồng nghĩa với việc mức sinh lời của USD gửi tiết kiệm đã giảm khoảng một nửa so với trước khi Thông tư 09 có hiệu lực. Trong khi đó, tỷ giá USD tự do ngày càng giảm khiến cho việc nắm giữ USD trở nên kém hấp dẫn nên nhiều khách hàng gửi tiền đang tính toán đến việc bán USD để lấy tiền đồng Việt Nam gửi tiết kiệm.
  
Thông tư 09 quy định, tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) là 1,0%/năm, của cá nhân là 3%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức và áp dụng đối với phương thức trả  lãi cuối kỳ; đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức lãi suất huy động vốn tối đa. 

 

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc