Multimedia Đọc Báo in

Sớm khống chế trần lãi suất không kỳ hạn

17:35, 09/04/2011

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đã nâng lãi suất huy động không kỳ hạn đối với đồng Việt Nam lên khá cao, hiện dao động ở mức 3,5%-4%/năm, tức gần gấp đôi so với trước đó. Điều này có đe dọa đến thanh khoản của NH?

Theo lãnh đạo một số tổ chức tín dụng (TCTD), trước đây, để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của NHNN về tỷ lệ dự trữ, cho vay cũng như giữ chân khách hàng, các NH thường đưa ra loại sản phẩm huy động với nhiều tên gọi, như: “tiền gửi có kỳ hạn, rút gốc linh hoạt”, “tiền gửi có kỳ hạn được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi”, “tiết kiệm lãi suất thả nổi”… Những sản phẩm này đều có một điểm chung là khách hàng gửi tiền có thể rút trước hạn, nhưng vẫn được hưởng lãi suất cao hơn so với lãi suất không kỳ hạn (thông thường là bằng lãi suất kỳ hạn thực gửi). Sản phẩm huy động này mang lại lợi ích cho khách hàng gửi tiền, nhưng bất lợi cho NH, nhất là phản ánh không chính xác cơ cấu nguồn vốn huy động của các NH. Điều này không chỉ ẩn chứa những rủi ro đối với hoạt động của chính NH đó, mà còn gây khó khăn đối với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng một chính sách điều hành sát với thực tế.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Việt Á.
Trước thực trạng này, ngày 10-3-2011, NHNN Việt Nam ban hành Thông tư số 04 quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền trước thời hạn tại TCTD. Theo đó, TCTD áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của mình theo từng loại tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn. Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ TCTD), cá nhân. Với Thông tư trên, NHNN đã siết lại việc huy động vốn, cũng như nắm rõ được cơ cấu kỳ hạn huy động và cho vay của các NH. Để đối phó với quy định này, vài tuần trở lại đây, nhiều NHTM bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động không kỳ hạn.

Theo các chuyên gia tài chính, một đặc điểm của nguồn vốn không kỳ hạn là đem lại giá trị “làm mềm” cơ cấu nguồn vốn của các NH do yếu tố linh hoạt của chúng đứng bên cạnh sự cứng nhắc của các loại tiền gửi có kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu chúng chiếm tỷ trọng quá lớn thì tính rủi ro của nguồn vốn cũng rất cao. Kinh doanh trong tình trạng dòng vốn chập chờn như vậy, không những làm cho NH khó xây dựng kế hoạch tài chính mà còn đe dọa thanh khoản của họ bất cứ lúc nào. Vì thế, nên chăng NHNN sớm có quy định khống chế ngay trần lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn. Trong điều kiện hiện nay, nên khống chế ở mức 2%-3%/năm là phù hợp. Cùng với đó, NHNN nên sẵn sàng tái cấp vốn trong một khoảng thời gian dài và ở mức cao hơn bình thường. Trong bối cảnh phải tập trung cho nhiệm vụ chống lạm phát thì đẩy tiền ra thị trường là không dễ, nhưng việc này có ý nghĩa rất lớn đối với việc đề phòng mất thanh khoản cục bộ ở một số NH nên NHNN cũng cần cân nhắc. Ngoài ra, thanh tra NHNN phải có phương pháp kiểm soát chặt chẽ cơ cấu huy động vốn của các NH cũng như việc sử dụng nguồn tái cấp vốn.

 

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc