Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 57: Hệ thống Quỹ tín dụng đã có bước chuyển biến tích cực
Sau hơn 10 năm củng cố, chấn chỉnh một số hoạt động theo tinh thần Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị, đến nay chất lượng công việc chuyên môn của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ vốn giúp thành viên phát triển kinh tế…
Khách hàng gửi tiết kiệm tại Phòng Giao dịch Cư Kbô (QTDND Cao su Dak Lak). |
Hệ thống QTDND tại Dak Lak chủ yếu được thành lập trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2000 (thời điểm thí điểm thành lập theo Quyết định 390/QĐ-TTg, ngày 27-7-1993 của Thủ tướng Chính phủ). Đến năm 2000, toàn tỉnh đã có 18 QTDND cơ sở, 1 QTDND khu vực với hơn 12.000 thành viên. Trong thời gian thực hiện thí điểm thành lập, do thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên việc quy hoạch xây dựng mạng lưới QTDND không phù hợp; công tác phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ; chính quyền địa phương còn xem nhẹ, chưa quan tâm đến công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình QTDND… khiến hoạt động của hệ thống này đi chệch mục tiêu đề ra, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng dẫn đến hệ quả là đến cuối năm 2000, nợ quá hạn của các QTDND cơ sở chiếm tỷ lệ khoảng 5%/tổng dư nợ, trong đó có đến 50% là nợ khó đòi, 8/18 quỹ có nợ quá hạn trên 10% dư nợ, 7/18 quỹ cho vay vượt 15% vốn tự có.
Trong bối cảnh đó, để củng cố, chấn chỉnh lại hoạt động của QTDND theo Chỉ thị 57, Chi nhánh NHNN Dak Lak đã phân loại thành 3 nhóm QTDND riêng biệt: 11 quỹ về cơ bản hoạt động bình thường nhưng có một số yếu kém; 3 quỹ có nhiều tồn tại, yếu kém nhưng có khả năng khắc phục để trở lại hoạt động bình thường, 5 quỹ không có khả năng khôi phục, phải tiến hành giải thể, thu hồi giấy phép. Trên cơ sở đó, Chi nhánh NHNN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn từng QTDND xây dựng phương án củng cố, trong đó nêu rõ biện pháp, thời gian cụ thể để khắc phục yếu kém. Sau đó, Chi nhánh NHNN tỉnh thẩm định và phê duyệt phương án đối với những QTDND hoạt động bình thường, riêng các QTDND yếu kém và không đủ điều kiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã thì trình UBND tỉnh xem xét. Ông Trần Vĩnh Phúc, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết: thời gian đầu khi bắt tay vào củng cố QTDND, Chi nhánh dành ưu tiên phần lớn nhân lực cho công tác này. Theo đó, đã tổ chức thanh tra toàn diện đối với tất cả các QTDND để kịp thời phát hiện, khắc phục những yếu kém, nhất là những vấn đề chưa được các quỹ chỉ ra tại phương án củng cố, bên cạnh việc thực hiện giám sát thường xuyên hoạt động của QTDND, nhất là các quỹ có nợ quá hạn trên 5% tổng dư nợ. Định kỳ hàng tháng, quý thực hiện kiểm tra chuyên đề, giúp các quỹ kịp thời chỉnh sửa sai phạm, cùng tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của QTDND, đặc biệt là thu hồi nợ, chi trả tiền cho người gửi; từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức; tăng cường đào tạo, đào tạo lại cán bộ, nhân viên các quỹ… Nhờ đó hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn đã từng bước đi vào nền nếp.
Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh chỉ còn 11 QTDND cơ sở, với số thành viên gần 21.000 người, tăng hơn 73% so với năm 2000; tổng nguồn vốn hoạt động gần 580 tỷ đồng, tăng 6 lần; dư nợ cho vay hơn 525 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần; nợ xấu chiếm 0,44% tổng dư nợ (thấp hơn tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại); 100% đơn vị kinh doanh hiệu quả, số lãi tăng hơn 7 lần; kết quả xếp loại có 5 quỹ loại I và 5 quỹ đạt loại II, chỉ có 1 quỹ xếp loại III. Riêng QTDND khu vực, sau khi sáp nhập và chuyển thành QTDND Trung ương, Chi nhánh Dak Lak cũng có bước phát triển, thực hiện tốt chức năng điều hòa vốn cho mạng lưới QTDND cơ sở của 4 tỉnh Dak Lak, Dak Nông, Gia Lai và Kon Tum, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND cơ sở trong việc thực hiện chi trả tiền cho khách hàng và bổ sung vốn cho vay. Đánh giá hoạt động của hệ thống QTDND sau củng cố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl khẳng định: so với các ngân hàng thương mại thì dư nợ cho vay của các QTDND còn rất nhỏ, nhưng đồng vốn này có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ thành viên, nhất là thành viên vùng sâu, vùng xa - nơi chưa có điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại – đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ khi có hệ thống QTDND, tình trạng nông dân phải đi vay nặng lãi để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng giảm đáng kể.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc