Chia sẻ khó khăn với khách hàng: Nhiều ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất cho vay
Những tháng đầu năm 2012, đặc biệt là từ ngày 11-6-2012 đến nay, nhiều ngân hàng (NH) trên địa bàn đã mạnh tay giảm lãi suất cho vay. Tính đến thời điểm này đã có nhiều NH áp dụng mức lãi suất thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nhiều phần trăm/năm.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Dak Lak. |
Theo quy định tại Thông tư số 20/2012-NHNN, kể từ 11-6-2012, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam (VNĐ) đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ chỉ còn tối đa là 13%/năm (riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được cho vay tối đa là 14%/năm). Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều NH trên địa bàn đã điều chỉnh lãi suất cho vay các lĩnh vực này xuống thấp hơn trần do NHNN quy định. Chẳng hạn, tại chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak, lãi suất cho vay đối với khách hàng xuất khẩu chỉ còn 11%/năm. Trước khi có Thông tư 20, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên trên được áp dụng tối đa là 14%/năm, thì Agribank Dak Lak đã triển khai mức lãi suất 12%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay VNĐ để sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản. Tính đến đầu tháng 6-2012, dư nợ cho vay của Agribank Dak Lak khoảng 7.962 tỷ đồng, trong đó hơn 89% là dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này cho thấy: việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của Agribank Dak Lak có ý nghĩa rất lớn, tác động tích cực đến số đông khách hàng đang có quan hệ vay vốn tại đây. Tương tự, ngày 11-6-2012, Chi nhánh NHTMCP Đầu tư và Phát triển Dak Lak (BIDV Dak Lak) cũng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ còn 12%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên nêu trên. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, BIDV Dak Lak đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mục đích chính là chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, giúp họ giảm chi phí vốn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, việc mạnh tay giảm lãi suất cho vay của BIDV Dak Lak đã góp phần không nhỏ trong việc giảm chi phí vốn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo doanh nghiệp (DN). Bằng chứng là có những chương trình ưu đãi lãi suất vừa được triển khai chưa tròn tháng đã có hàng trăm tỷ đồng được giải ngân. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân chính đưa tăng trưởng tín dụng của BIDV Dak Lak đạt 7% so với đầu năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm toàn ngành NH Dak Lak tiếp tục “âm”.
Bên cạnh việc giảm lãi suất đối với những khoản vay mới, nhiều NH còn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng tín dụng đã giải ngân trước đó nhưng còn dư nợ với mức lãi suất vay cao; riêng những khách hàng đang hoạt động kinh doanh nhưng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn thì xem xét cơ cấu lại nợ, kéo dài thời gian trả nợ phù hợp với dòng tiền của dự án, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhằm giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện cho khách hàng duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh… Đại diện các NH cho biết: để làm được điều này, các NH phải chấp nhận chia sẻ lợi nhuận bởi nguồn vốn hoạt động của NH chủ yếu là vốn đi vay từ nhiều nguồn khác nhau. Có những thời điểm vốn huy động từ dân cư không đủ để cho vay, NH phải sử dụng vốn do NH mẹ điều chuyển về và phải trả mức phí rất cao, thậm chí ngang bằng với mức lãi suất mà NH cho khách hàng vay. Để bảo đảm hoạt động kinh doanh hiệu quả, NH phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “bất di bất dịch” trong hoạt động tín dụng là chỉ cho vay vốn đối với những khách hàng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm trả nợ đầy đủ và đúng hạn cho NH. Điều đó cho thấy: việc không tiếp cận hoặc khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ NH còn có những nguyên nhân từ DN. Giám đốc một NH tâm sự: so với thời gian trước đây, NH không tăng thêm bất kỳ điều kiện tín dụng nào, thậm chí đối với những DN khó khăn tạm thời, NH còn cho cơ cấu lại nợ để DN thể tiếp tục vay thực hiện những dự án khả thi. Như vậy có thể nói là NH đã nới lỏng về các điều kiện cho vay để hỗ trợ DN, do vậy nửa “chìa khóa vốn” còn lại nằm hoàn toàn trong tay DN. Vì vậy, muốn tiếp cận được vốn tín dụng, đặc biệt là các nguồn vốn giá rẻ, DN cũng cần phải có các điều kiện cần thiết, đặc biệt là tình hình tài chính phải lành mạnh, có phương án hoặc dự án sản xuất kinh doanh khả thi.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc