Nỗi niềm khuyến mại!
Hình thức khuyến mại (KM) trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ góp phần tạo sự sôi động cho thị trường, thúc đẩy gia tăng sức mua bán. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, người tiêu dùng dễ bị rơi vào cảnh “bỏ tiền mua sự bực mình”.
Trong buổi họp mặt hội viên Câu lạc bộ Người tiêu dùng (CLB NTD) thông thái (Hội Bảo vệ quyền lợi NTD) mới đây , nỗi niềm KM là chủ đề được các hội viên quan tâm nhiều hơn cả. Một hội viên kể: “Trong chương trình KM của một siêu thị điện máy, tôi mua 1 cái ti vi 29 inch giá 4,9 triệu đồng, được tặng thêm 1 máy xay sinh tố đa năng giá 900.000 đồng, cứ tưởng thế là hời lắm, hôm sau vô tình được biết cũng loại ti vi ấy ở cửa hàng điện máy không có chương trình KM chỉ bán 4 triệu đồng, nghĩ cứ bực phải mua oan cái máy xay sinh tố!” Một hội viên phàn nàn: “Có lần, tôi trúng thưởng trị giá 500.000 ngàn đồng trong chương trình KM tại một cửa hàng lớn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, khi đến nhận mới biết tiền giải thưởng lại được quy ra hàng, trong đó nhiều mặt hàng có nhãn lạ hoắc hoặc đã sắp hết hạn, lỗi mốt. Trị giá hàng hóa không lớn, nhưng tôi không khỏi bực mình, cứ cảm thấy như bị lừa”. Cảm giác như bị lừa ấy, rất nhiều NTD đã từng gặp phải, trong cảnh ra ngõ gặp… KM hiện nay.
Khách hàng xem kỹ thông tin về sản phẩm KM. |
NTD hầu như đã quá quen thuộc với các chương trình KM được các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ tung ra với mật độ ngày càng dày, hình thức ngày càng phong phú, từ dân dã như bán hàng kèm quà tặng, bốc thăm may mắn, đến gây sốc như mua một tặng một, bán hàng với lãi suất bằng không… Điều đó khiến thị trường thêm sôi động, thúc đẩy gia tăng sức mua bán. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp NTD phải ngậm ngùi khi gặp doanh nghiệp (DN) KM chỉ nhằm phục vụ lợi ích chính mình chứ không hề quan tâm đến lợi ích khách hàng. Dễ thấy nhất là tình trạng DN thanh lý hàng tồn núp bóng KM để thu hút khách. Một trong những mánh câu khách mà chủ hàng thường áp dụng là nâng giá niêm yết hàng trước khi …giảm giá, khi khách mua hàng thấy người bán giảm trực tiếp trên giá đã tăng này cứ tưởng mua được giá rẻ! Hoặc chỉ quảng cáo chung chung là “giảm giá 50 - 70%”, trong khi thực chất chỉ áp dụng cho một số lượng hàng rất ít, chủ yếu hàng đã lỗi mốt, hàng tồn. Thử tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trong chương trình KM nhóm hàng điện tử, điện lạnh trong tháng qua, có thể nhận thấy các mặt hàng KM, từ tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, máy ảnh, đến bàn ủi, nồi cơm điện, chảo chống dính… đều là những mặt hàng đã cũ, không có điểm mới hay đặc biệt gì về công nghệ, trong đó có sản phẩm gần như đã đến giai đoạn bỏ mẫu. Ở các nhóm ngành hàng khác, tình trạng KM giảm giá hay tặng kèm hàng cũ, hàng tồn vẫn khá phổ biến. Và một điểm chung là các mặt hàng KM đều có kèm theo ghi chú: Mua rồi miễn đổi, trả lại! Nên nỗi niềm NTD hay phải gánh chịu nhất khi tham gia chương trình là: trót mua phải hàng lỗi mốt, sắp hết hạn, chất lượng không bảo đảm, hoặc mua hớ so với giá chung trên thị trường thì cũng chỉ biết ngậm ngùi than dại, mà nhiều người thường ví von là bỏ tiền mua sự bực mình!
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng Phòng quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết: Theo quy định, các DN bán hàng KM phải đăng ký chương trình KM cụ thể để Sở kiểm tra, giám sát. Trong 9 tháng đầu năm, có gần 100 chương trình KM của DN được đăng ký và xác nhận. Theo Thanh tra ngành Công thương, Luật Cạnh tranh đã quy định rõ về hoạt động KM, nhưng thực chất hoạt động này tuân thủ theo luật hay không thì rất khó kiểm soát khi thị trường có hàng trăm nghìn mã hàng, mỗi ngày lại có hàng nghìn mã hàng KM, giảm giá. Cũng phải thừa nhận rằng, quy định về KM vẫn còn những kẽ hở, như quy định các DN khi đăng ký KM phải ghi rõ số lượng hàng bán KM, hoặc số lượng, chủng loại quà tặng kèm, nhưng Sở lại không quản lý về giá bán, và cũng không buộc ghi rõ trị giá món quà tặng kèm. Vẫn có tình trạng nhiều DN thực hiện chương trình KM không đăng ký, thường trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 1 tuần nên cơ quan quản lý không thể nắm rõ hết được. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD cho rằng, nếu NTD có khiếu kiện về các chương trình KM, Hội sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng hiện nay, khi KM, DN chỉ đăng ký với cơ quan quản lý, không có ký kết thỏa thuận với NTD, nên NTD không có cơ sở khiếu kiện DN vi phạm như thực hiện KM không đúng thời gian, bán hàng không đúng giá…Với thực trạng ấy, để tránh bỏ tiền mua sự bực mình, thì trước hết NTD nên thận trọng khi tham gia các chương trình KM, nhất là những chương trình KM gây sốc!
Ý kiến bạn đọc