Multimedia Đọc Báo in

Du lịch văn hóa - sinh thái Dak Lak: Làm gì để khắc phục sự nhàm chán và đơn điệu?

14:22, 19/07/2010
Đó là mong muốn của phần đông du khách khi đến Dak Lak thăm thú và thưởng ngoạn các danh thắng được đánh giá là có tiềm năng, thế mạnh vào loại bậc nhất Tây Nguyên. Nhiều người còn cho rằng, ngoài cơ sở hạ tầng lâu nay không được cải thiện thì các sản phẩm du lịch, một trong những yếu tố hàng đầu hấp dẫn, thu hút du khách của một số đơn vị làm du lịch ở đây vẫn không có gì mới, khiến họ nản lòng “một đi không trở lại”…
Thực trạng trên buộc các nhà kinh doanh, khai thác du lịch ở Dak Lak phải suy nghĩ và đặt ra câu hỏi nghiêm túc cho chiến lược phát triển, tăng tốc ngành “công nghiệp không khói” này. Tại buổi làm việc giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng chính quyền địa phương với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL để hoạch định chiến lược phát triển du lịch Dak Lak từ năm 2010-2020 được xúc tiến hồi cuối tháng 4 vừa qua, đồng chí Đinh Văn Khiết - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch Dak Lak cho rằng, sở dĩ ngành du lịch của tỉnh nhà, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái vốn là thế mạnh của địa phương chưa tạo dựng được vị thế xứng đáng với tiềm năng hiện có là vì cơ sở hạ tầng yếu kém, sự quan tâm đầu tư cho ngành kinh tế được xem là “hết sức quan trọng” này chưa nhiều và thiếu đồng bộ. Theo đó, đại diện một số cơ quan ban, ngành có trách nhiệm nhấn mạnh thêm: cơ chế, chính sách thông thoáng, hợp lý nhằm thu hút vốn đầu tư bên ngoài và huy động nguồn lực bên trong cho du lịch nói chung còn bị xem nhẹ, thậm chí đang ở trong tình trạng “giẫm chân tại chỗ” đã hạn chế cơ hội phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Dak Lak. Riêng loại hình du lịch văn hóa-sinh thái còn cần đến sự năng động trong tư duy và phương thức tổ chức của những người trực tiếp làm du lịch ở đây. Nói như Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Tuấn Anh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Dak Lak, một trong 10 trọng điểm được Nhà nước tập trung đầu tư từ nay đến năm 2020: Làm du lịch trong bối cảnh hiện nay phải thật sự chủ động hòa nhập theo xu thế chung bằng chính sản phẩm độc đáo và thế mạnh của mình. Phải cương quyết gạt bỏ cung cách làm du lịch theo kiểu “há miệng nằm chờ sung rụng” như thời gian qua ở một số nơi, một số vùng! Có thể nói, đây cũng là điều mà những người làm du lịch ở Dak Lak cần suy ngẫm…
Đồng bào đưa du khách tham quan hồ Lak bằng thuyền độc mộc. Ảnh: Lê Ngọc
Đồng bào đưa du khách tham quan hồ Lak bằng thuyền độc mộc. Ảnh: Lê Ngọc
Qua nhiều lần làm việc với các công ty du lịch trên địa bàn Dak Lak: Banmexco, Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak, Đam San, Thanh Hà, Trung tâm đầu tư-phát triển Du lịch Yok Đôn… chúng tôi được nghe tâm sự của những người  làm du lịch ở đây, rằng: Do cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước, nhất là sự phối hợp giữa các cấp chính quyền chưa rõ ràng, dứt khoát nên đã “trói tay” các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, không thể bung ra được (!?) Vậy trên thực tế, về phía những người có trách nhiệm đã trả lời, thậm chí chia sẻ băn khoăn trên của các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Dak Lak ra sao ? Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn (nơi có tour du lịch văn hóa - sinh thái do Công ty Bamexco đầu tư, khai thác lâu nay) phát biểu thẳng thắn: Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và rất ủng hộ cho Banmexco đầu tư, khai thác du lịch ở đây. Chỉ sợ họ không biết làm du lịch mà thôi. Cứ cưỡi voi xong, ăn cơm lam, gà nướng mãi thì du khách cũng chán…
Cây kơnia
Cây kơnia
Còn đồng chí Cao Xuân Xảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Lak (nơi có điểm du lịch văn hóa-sinh thái của Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak đứng chân) thì cho rằng: Sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với ngành du lịch có thừa. Nhưng đã lâu, chưa thấy họat động du lịch ở đây có gì mới mẻ cả. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có cuộc họp với các địa phương có các doanh nghiệp làm du lịch đứng chân nhằm tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế đầu tư, giá thuê đất (bao gồm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa…) để kinh doanh du lịch; đồng thời cụ thể hóa một số nhiệm vụ, chức năng phối hợp giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương nhằm mục đích đẩy nhanh bước phát triển của ngành kinh tế quan trọng này theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Rõ ràng, trên thực tế, chính quyền các cấp đã rất quan tâm đến việc khai thác các thế mạnh về du lịch trên từng địa bàn để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp làm du lịch ở Dak Lak cần phải đổi mới tư duy và cung cách làm ăn “được chăng hay chớ” lâu nay của mình, nhằm tránh tình trạng chỉ trông vào tiềm năng tự nhiên vốn có (hồ, thác, sông suối) để khai thác một cách manh mún, nhất thời. Ở góc nhìn này, ông Phạm Tâm Thanh- Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, phụ trách lĩnh vực du lịch đánh giá: cũng do cung cách trên mà sản phẩm du lịch ở vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này, đến nay vẫn đơn điệu, nhàm chán trong con mắt của du khách. Theo ông Thanh cho rằng, sản phẩm du lịch văn hóa-sinh thái ở tỉnh ta còn nghèo nàn, hời hợt so với một số tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên. Cùng một thế mạnh như nhau là đều có sự đa dạng, phong phú về hệ thống sinh cảnh đặ trưng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp làm du lịch Dak Lak đã không tạo dựng được hình ảnh du lịch tạp trung và tiêu biểu như Lâm Đồng thông qua cụm du lịch văn hóa-sinh thái như DamB’ri –Bảo Lộc, hay như Khu Du lịch Đồng Xanh- Gia Lai và khu du lịch va7n hóa-sinh thái Măng Đen-Kon Tum… Ở đó khác với với Buôn Đôn, Hồ Lak hay Cư Yang Sin của Dak Lak vì sự đồng bộ trong quy họach đầu tư, xây dựng và giới thiệu sản phẩm  du lịch đến với du khách như là điểm đến thật sự để mọi người tìm hiểu và khám phá vốn văn hóa- sinh thái tiêu biểu và độc đáo của mình. Nhìn rộng ra như vậy để thấy rằng, du lịch Dak Lak phải đến lúc phài bước qua sự đơn điệu, manh mún nhằm cải thiện hình ảnh của mình trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập không khoan nhượng hiện nay.
Đình Đối   

Ý kiến bạn đọc