Multimedia Đọc Báo in

Hành trình qua các vùng kinh đô cổ - Sản phẩm du lịch “lớn nhất” Việt Nam

09:11, 02/07/2010
Hành trình qua một số vùng kinh đô Việt cổ là chương trình du lịch chuyên đề mới về văn hoá - lịch sử độc đáo nhằm khám phá những giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc của một số kinh đô, cố đô Việt Nam qua các thời kỳ.
cố đô Huế
Khách du lịch tham quan Cố đô Huế   Ảnh: H.H
 
Tuy mới dừng ở mức khảo sát, nhưng trong thời điểm phân khúc thị trường về du lịch văn hoá, du lịch nghiên cứu đang ngày càng thu hút nhiều du khách, chương trình du lịch này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi chặng của hành trình là những trang sử ghi nhớ về công lao của ông cha ta trong việc mở mang xây dựng và bảo vệ đất nước, củng cố niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau và cơ hội giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử hào hùng của dân tộc. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, đây là một chương trình thụ hưởng văn hoá kinh kỳ, văn hoá điểm đến, qua đó có thể có được một cái nhìn biện chứng giữa văn hoá cung đình xưa và văn hoá đô thị hôm nay. Có thể ví nó như một cuộc phiêu lưu qua các không gian văn hóa cổ. Không chỉ có sự hưởng thụ phong cảnh, không gian văn hóa lịch sử mà đó còn là cuộc khám phá văn hóa kinh kỳ, văn hóa bác học chốn đô thị. Gắn với mỗi kinh đô, là một giai đoạn lịch sử của đất nước. Một Văn Lang với thời kỳ dựng nước huy hoàng, là trung tâm chính trị, kinh tế lớn bậc nhất của nước ta dưới thời các vua Hùng. Một Hoa Lư với hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau khởi nghĩa. Một Thăng Long-Đông Đô với tên tuổi Lý Công Uẩn. Là Lam Kinh với những chính sách cải cách đột phá dưới thời Hồ Quí Ly. Hay một Phượng Hoàng Trung Đô gắn với tầm chiến lược thiên tài của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Rồi cố đô Huế, với bao thăng trầm, thành tựu và cả những ẩn số lịch sử gắn với triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam…
 
phượng Hoàng Trung đô

Đền thờ vua Quang Trung gắn với Phượng Hoàng Trung đô tại Nghệ An

Ảnh: H.H


Với Hành trình này, lần đầu tiên, chúng ta có một sản phẩm du lịch xuyên thời gian, trải dài trên một địa bàn rộng lớn và suốt chiều dài lịch sử đất nước, có thể nói là sản phẩm du lịch “lớn nhất” Việt Nam. Chương trình nối kết giữa các vùng miền, trải nghiệm qua nhiều không gian của đất nước. Thông qua chương trình du lịch này, ngành du lịch giữa các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định...đã có chung một sản phẩm du lịch lớn để cùng liên kết, hợp tác, phát triển, tạo ra sự gắn kết, bổ sung cho nhau, hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện mục tiêu nâng cao sức hấp dẫn và sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch, vì sự phát triển du lịch bền vững của các địa phương
Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như các kinh đô cổ - dưới tác động của thời tiết, thời gian và cả những biến thiên của lịch sử - hầu như không còn nguyên vẹn, thậm chí có kinh đô đã biến mất khỏi không gian và chìm lấp đâu đó dưới lòng đất của vị trí ngày xưa nó đã được xây dựng. Hiện tại chỉ duy nhất có kinh đô Huế là hầu như được khôi phục và bảo toàn nguyên vẹn.Vì vậy,vấn đề được đặt ra là cần khai quật, khảo cổ, tôn tạo, đầu tư và phải đầu tư như thế nào để không biến một kinh đô cổ của một thời kỳ nhất định trong lịch sử thành một kinh đô “giông giống” kinh đô cổ. Đó là cả một quá trình dày công đòi hỏi sự góp sức của nhiều ngành khác nhau, chứ tự thân của ngành du lịch không thể làm được. Bên cạnh những cuộc khảo sát,  gặp gỡ, hội nghị, hội thảo của đại diện cấp Sở của các tỉnh, chương trình lớn này đòi hỏi tầm cao liên kết là UBND các tỉnh, thành phố, dưới sự cầm chịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam - Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Có như vậy, hành trình này mới thực sự đi vào thực tế và phát huy được hiệu quả mà các nhà làm du lịch đang kỳ vọng là một sản phẩm tạo sức bật mới cho ngành du lịch Việt Nam.

H.H ( Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc