Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột: Hiệu quả từ việc huy động các nguồn lực đầu tư
Với xuất phát điểm thấp, chỉ là đô thị nhỏ, 35 năm sau ngày giải phóng, năm 2010, Buôn Ma Thuột đã được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Sự phát triển của thành phố trong những năm gần đây có tốc độ nhanh hơn so với giai đoạn trước, đó chính là nhờ sự góp phần không nhỏ từ việc huy động mọi nguồn lực đầu tư của xã hội.
Những năm qua, kinh tế của thành phố (TP) tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp, đáng chú ý là năm 2010, tốc độ tăng trưởng đạt trên 17% ; tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng trong GDP chiếm trên 45%, dịch vụ 45% ; thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 29 triệu đồng, vượt 70% mức chung của tỉnh. Thu ngân sách tăng bình quân 20%/năm, tổng thu ngân sách năm 2010 đạt 940 tỷ đồng. Trong phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, tập trung ở một số ngành sản xuất: thép xây dựng, ván nhân tạo, bê tông thương phẩm, chế biến cà phê, gia công cơ khí, chế tạo máy nông nghiệp… Các khu, cụm công nghiệp (CCN) như Hòa Phú, Tân An từng bước hoàn thiện về hạ tầng, thu hút nhiều dự án đầu tư. Đến nay, CCN Tân An đã có 54 dự án thuê đất, với tổng vốn đăng ký trên 1.700 tỷ đồng, thu hút khoảng 4.500 lao động; hiện đã có 28 dự án đi vào hoạt động đạt tổng doanh thu 4.700 tỷ đồng. Khu công nghiệp Hòa Phú có 4 dự án đang triển khai xây dựng, với tổng vốn đăng ký 700 tỷ đồng. Hiện, thành phố đang triển khai quy hoạch chi tiết CCN Hòa Xuân và điều chỉnh quy hoạch CCN Thành Nhất. Về phát triển thương mại, dịch vụ, ngoài hệ thống chợ được bố trí rộng khắp, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn đi vào hoạt động mang lại hiệu quả cao: Siêu thị Co.op Mart, điện máy Intimex... cùng với hệ thống cửa hàng bán lẻ G7 đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, thúc đẩy thị trường dịch vụ phát triển. Các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2010 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 1.200 tỷ đồng so với năm 2009. Trong đó, 706 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, 3.600 tỷ đồng từ tổ chức, doanh nghiệp, người dân, còn lại từ nguồn vốn khác.
Chỉnh trang làm đẹp thành phố. |
Nguồn lực huy động được tập trung đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, như: nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột; các Quốc lộ 14, 26, 27 đi qua thành phố (TP), đường vành đai; tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 1 cùng với một số tuyến đường nội thành… Về giáo dục, vừa tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vừa huy động từ chủ trương xã hội hóa, năm 2010, toàn TP đã đầu tư xây dựng 256 phòng học, nâng tổng số phòng học kiên cố đạt trên 1.700 phòng, 100% các trung tâm học tập được kiện toàn và đi vào hoạt động. Lĩnh vực y tế, năm 2010 cũng có những bước tiến trong công tác xã hội hóa, trong đó, Dự án Bệnh viện Ngoại - Sản Tây Nguyên do Công ty Cổ phần Từ Vân làm chủ đầu tư được xây dựng với quy mô 200 giường bệnh, tổng mức đầu tư 406 tỷ đồng, được Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ tín dụng 257 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào năm 2011, khi đi vào hoạt động, sẽ là bệnh viện chuyên khoa (Ngoại chấn thương, Phụ sản) đầu tiên của tỉnh và khu vực Tây Nguyên được đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân; giảm áp lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập. Đây cũng là dự án đầu tư thứ 2 (sau Bệnh viện Thiện Hạnh) theo chủ trương xã hội hóa công tác y tế của tỉnh.
Là năm bản lề, nên những nỗ lực của TP để thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2011 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà cho những bước tiến vững chắc trong giai đoạn 5 năm (2011-2015). Như khẳng định của ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột: Với vị thế là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, những bước đi của TP có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng Dak Lak trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên. Việc thực hiện những giải pháp để tăng cường và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư của xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển TP. Ngoài việc tranh thủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, địa phương luôn nỗ lực tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến với Buôn Ma Thuột. Phấn đấu năm 2011, tổng nguồn vốn huy động đầu tư đạt 6.500 tỷ đồng góp phấn đắc lực vào việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu TP đề ra: tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức 17%; thu ngân sách đạt 1.226 tỷ đồng; thu nhập bình quân 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5-2%... Giữ vững danh hiệu Đô thị sạch của cả nước đã được Hiệp hội Đô thị Việt Nam công nhận vào cuối năm 2009; phấn đấu trở thành đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên.
Ý kiến bạn đọc