Phố cổ Hội An lọt vào top 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới
08:27, 08/03/2011
Theo kết quả cuộc bầu chọn top "10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới" do tạp chí du lịch nước Anh - Wanderlust.co.uk/magazine vừa công bố, phố cổ Hội An của Việt Nam giành vị trí thứ 2 với tỉ lệ phiếu bầu chọn là 96%, (chỉ đứng sau cố đô Luang Prabang, Lào với 96,89% số phiếu bầu chọn).
Wanderlust.co.uk/magazine cho biết:
“Những thành phố hàng đầu được chọn lựa không phải là những nơi có ánh đèn rực rỡ hay cuộc sống gấp gáp ... Tiêu chí lựa chọn tập trung vào những thành phố mà ở đó người ta có thể tìm thấy sự nhẹ nhàng, thoải mái và thực sự thanh thản…”
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa, hay còn được nhắc đến như con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống, có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố là những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt cùng những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.
Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. |
Với những giá trị nổi bật, năm 1999, đô thị cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí: Là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Theo tài liệu thống kê, hiện nay, Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Theo tài liệu thống kê, hiện nay, Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Cùng với cố đô Luang Prabang và phố cổ Hội An, châu Á còn có 3 thành phố lọt vào top 10 đó là Kyoto (xếp thứ 3) và Tokyo (thứ 6) đều của Nhật Bản, Aleppo của Syria (xếp thứ 10). Các thành phố còn lại trong top lần lượt xếp từ trên xuống gồm: Stockholm (Thụy Điển), Perth (Australia), San Francisco (Mỹ), Vienna (Austria) và Cusco (Peru).
H.H
(Nguồn: TT-DL)
Ý kiến bạn đọc