Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch Dak Lak: Nhìn từ chất lượng điểm đến

15:04, 04/09/2012

Nhiều tiềm năng và thế mạnh, nhưng ngành du lịch (DL) của tỉnh trong những năm qua vẫn chưa được đầu tư phát triển xứng tầm. Sự nghèo nàn của sản phẩm DL đặc thù, “điểm đến” chưa nhiều và thiếu đầu tư về chiều sâu… đó  là những minh chứng cho sự phát triển thiếu bền vững của ngành DL hiện nay.

Cưỡi voi xuyên rừng, sản phẩm du lịch đặc thù của Dak Lak thu hút nhiều du khách trong nước.
Cưỡi voi xuyên rừng, sản phẩm du lịch đặc thù của Dak Lak thu hút nhiều du khách trong nước.

Những điểm DL được xem là có thương hiệu như: Buôn Đôn, hồ Lak, cụm thác Đray Nur, Gia Long và các di tích lịch sử, cách mạng (trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột…, nhưng những năm qua, sự đầu tư khai thác vẫn chỉ mang tính “ăn xổi ở thì”. Đơn cử như ở Buôn Đôn, từ lâu đã trở thành địa danh DL khá nổi tiếng được cả nước biết đến, không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà chính là bởi ở tầng sâu văn hóa của các dân tộc bản địa và những huyền thoại về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. DL voi vì vậy mà cũng trở thành một thương hiệu góp phần quảng bá hình ảnh Dak Lak đến với du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên thực tế đáng buồn là hiện nay, các đơn vị chỉ mới chú trọng đến việc khai thác mà thiếu hẳn sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ đàn voi nhà đang ngày càng giảm sút về số lượng, điều đó cho thấy, yếu tố bền vững chưa được các nhà đầu tư kinh doanh DL xem trọng, chưa làm nổi bật được hình ảnh về một Buôn Đôn gắn với những huyền thoại văn hóa, cũng như bề dày của lịch sử truyền thống các cộng đồng cùng chung sống trên mảnh đất này từ ngàn đời nay. 

Ngoài voi, Dak Lak còn được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh làm nao lòng du khách mỗi khi đặt chân đến. Đó là hệ thống thác nước hùng vĩ, hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú ở các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… Gần như ở địa phương nào trong tỉnh cũng có thể xây dựng được “điểm đến” của DL. Thế nhưng, ngoài thác Dray Nur nằm trong hệ thống các dòng thác Dray Sáp - Trinh Nữ - Gia Long trên dòng sông Sêrêpôk được Công ty TNHH Đầu tư DL Đặng Lê đầu tư khai thác, đang là một trong những điểm DL sinh thái, khám phá hấp dẫn cho bất kỳ ai khi đến Dak Lak, cũng như thu hút giới trẻ trong những chuyến dã ngoại cuối tuần, trong khi đó, hầu hết hệ thống thác nước trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ là tiềm năng. Cũng như nhiều thác nước, các hồ lớn trong tỉnh như hồ Lak, Ea Kao, Ea Nhái… vẫn chưa được khai thác bài bản, chỉ tồn tại đơn thuần như những hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc thiếu sự đầu tư xứng tầm thì một trong những nguyên nhân làm cho các “điểm đến” thiếu hấp dẫn, du khách chỉ một đi không quay lại đó là sự nghèo nàn của các sản phẩm DL đặc thù, sự kết nối tour giữa Dak Lak với các tỉnh, thành trong khu vực cũng như trong cả nước vẫn còn mờ nhạt.

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa độc đáo của vùng Tây Nguyên, như theo định hướng phát triển DL đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu đề ra là ngành DL trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo đó, sẽ xây dựng các điểm DL quan trọng mang ý nghĩa khu vực: Buôn Đôn – gắn với DL Voi, hồ Lak – DL nghỉ dưỡng, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Nam Kar – DL dã ngoại, nghiên cứu khoa học; các điểm tham quan văn hóa truyền thống: buôn Ako Dhong (Buôn Ma Thuột), buôn Jun, M'liêng, Buôn Triết; (Lak); Bảo tàng văn hóa, tháp Chàm Yang Prong...; các điểm DL di tích lịch sử cách mạng: Nhà đày Buôn Ma Thuột, hang đá Dak Tuar, đồn điền CADA, khu căn cứ cách mạng Chư Jdú – Đliê Ya… Định hướng đã có, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, điều quan trọng hơn là phải xây dựng và “định vị” được thương hiệu DL Dak Lak trên bản đồ DL quốc gia với nét khu biệt trong sản phẩm du lịch, tức là chỉ có đến Dak Lak mới có, để nơi đây trở thành điểm đến thường xuyên của du khách trong và ngoài nước.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc