Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh
Việc tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B trong 24 giờ sau sinh là rất cần thiết
Việt Nam là vùng lưu hành viêm gan siêu vi B cao, với tỷ lệ mang HBsAg khoảng 8-20% dân số. Bệnh viêm gan B là bệnh do virut viêm gan B gây nên.
Virút viêm gan B có ở trong máu, nước bọt, tinh dịch và dịch âm đạo và hầu hết các dịch khác ở cơ thể. Tuy nhiên, nó thường lan truyền qua tiếp xúc với máu do: từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ; giữa các đứa trẻ trong khi tiếp xúc qua vết cắt, cạo, vết cào; dùng bơm tiêm hoặc kim tiêm nhiễm virut viêm gan B và truyền máu không an toàn; lan truyền trong khi quan hệ tình dục có tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.
Trong các đường lan truyền, đường lan truyền từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ là rất dễ dàng. Mỗi năm, nước ta có khoảng 2 triệu phụ nữ mang thai, trong đó số phụ nữ mang thai đang mang mầm bệnh khá nhiều nên nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh cao. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm siêu vi B từ mẹ sẽ trở thành người mang mầm bệnh mãn tính, và có nguy cơ tiến triển đến xơ gan, ung thư gan trong tương lai. Vì vậy, để phòng bệnh viêm gan B cho trẻ em thì cần phải tiêm đủ 3 liều vắc-xin viêm gan B trong năm đầu đời. Liều thứ nhất tiêm lúc sơ sinh, liều thứ 2 lúc 2 tháng tuổi và liều thứ 3 lúc 4 tháng tuổi. Qua đó cho thấy, việc tiêm vắc-xin viêm gan B ngay sau khi sinh (tốt nhất là trong 24 giờ đầu sau sinh) là cần thiết và tiêm càng sớm càng tốt.
Vắc-xin viêm gan B rất an toàn. Có thể có phản ứng nhẹ sau khi tiêm như: sưng tấy tại chỗ tiêm (chiếm khoảng 3 – 9%); mệt mỏi đau đầu khó chịu (8 – 18%) và sốt cao trên 37,7oC (0,4 – 8%). Những phản ứng này thường xuất hiện trong vòng 1 ngày sau tiêm và kéo dài từ 1-3 ngày. Còn trường hợp phản ứng mạnh do tiêm vắc-xin rất hiếm gặp (khoảng 1/600.600) bao gồm các dấu hiệu như nổi mề đay, khó thở, miệng và họng sưng, sốc... Trường hợp nếu trẻ có phản ứng mạnh với liều trước thì không thực hiện tiêm liều tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc