Multimedia Đọc Báo in

Nguyên nhân và cách đề phòng bệnh thối móng chân, móng tay

18:42, 30/08/2010

Trong sinh hoạt hằng ngày, móng chân, tay là một trong các bộ phận của da phải thường xuyên chống đỡ với các yếu tố độc hại, chấn thương, vi khuẩn, nấm, kích thích hóa học. Mọi viêm nhiễm ở bờ tự do, góc móng, rãnh móng hoặc nền móng đều có thể gây tác hại đến thân móng, làm thay đổi hình thù, màu sắc, sự phát triển của móng, thậm chí gây viêm móng, thối móng và rụng móng. Ví dụ một số trường hợp sau đây:

-Va vấp, chấn thương gây bầm dập, tụ máu ở nền móng, có khi tổn thương cả khuôn móng (là phần nằm dưới gốc móng có nhiệm vụ sản xuất ra tế bào sừng của móng) làm móng ngày càng biến màu, khô giòn, cuối cùng bong ra khỏi nền móng gọi là đổi móng.
-“Xước móng rô”: bị xước một chỗ ở nền da quanh móng, thường là cửa ngõ để vi khuẩn đột nhập vào da, gây viêm quanh móng, làm sưng đỏ viền da quanh móng, từ đó viêm nhiễm lan vào móng, làm thối móng… Một số bệnh ngoài ra như “tổ đỉa”, eczema, vẩy có thể kèm theo tổn thương móng lỗ chỗ, sùi dày, lẹn vẹt, viêm quanh móng, viêm móng.

 

-Hay gặp nhất là viêm móng, “thối móng” do nghề nghiệp. Những người nội trợ, cấp dưỡng, công nhân xeo giấy bản, làm đậu phụ, bánh kẹo… luôn tiếp xúc với nước bẩn có chất hữu cơ, dễ bị nhiễm men mốc (Candida) làm da quanh móng bị sưng đỏ, nặn ra mủ trắng, dần dần thành viêm móng, thối móng. Công nhân tiếp xúc với hóa chất, a-xit, kiềm thường bị lột da, viêm da quanh móng tay, từ đó dễ thành viêm móng, thối móng. Đặc biệt nông dân, bộ đội làm việc ở ruộng đồng nước phèn chua đồng bằng Nam bộ thường hay bị viêm móng, thối móng vì đồng ruộng ở đấy có nhiều Sunfat Calumin, natri, magie) nên độ chua cao (pH 2,5-4). Da quanh các móng, nhất là móng chân cái, thường bị a-xit kích thích, làm giảm sức đề kháng lại luôn bị đất bùn bẩn bám vào các rãnh nên dễ thành viêm quanh móng và lâu ngày không khỏi sẽ dẫn tới viêm móng, thối móng.

Phòng viêm móng, thối móng chủ yếu bằng các biện pháp thích hợp với từng hoàn cảnh từng ngành nghề, nhằm tránh các yếu tố chấn thương, vi khuẩn, nấm, kích thích hóa học đã nói trên. Chẳng hạn bạn đối với công nhân sau khi tiếp xúc với a-xit, kiềm phải rửa tay, ngâm tay, bôi kem trung hòa để bảo vệ móng. Đối với nông dân vùng đồng chua sau buổi làm việc, cần rửa sạch và lau khô kẽ chân, rãnh móng, nếu có điều kiện, buổi tối ngâm chân nước muối, nước lá đắng.

Xử trí kịp thời các viêm quanh móng theo hướng dẫn của bác sĩ, không gãi lên các vùng da nhiễm khuẩn, nhiễm nấm để tránh lây nhiễm vào móng, đó là những biện pháp tốt nhất để bảo vệ móng, tránh được viêm móng, thối móng.

 

Hồng Anh (st)

 


Ý kiến bạn đọc