Multimedia Đọc Báo in

Ngải cứu: cây thuốc quý vườn nhà

00:06, 02/09/2010

Ngải cứu còn gọi là cây “thuốc cứu”, thường dùng lá và cành non (dùng tươi hay phơi khô), vị thuốc còn mang tên “Ngải diệp” (lá ngải).

 
Ngải cứu là một vị thuốc thông dụng trong y học cổ truyền. Cây ngải cứu là loại cây sống lâu năm, cao từ 50 đến 60 cm. Thân cây to có rãnh dọc, lá mọc so le, rộng, không có cuống (nhưng lá phía dưới thường có cuống). Xẻ thùy lông chim, màu lá ở hai mặt rất khác nhau, mặt trên nhẵn màu lục sẫm, mặt dưới màu trắng tro do có nhiều lông nhỏ trắng. Hoa mọc thành thùy kép gồm rất nhiều hoa tự hình dâu. Cây ngải cứu là một loại cây mọc hoang ở khắp nhiều nơi trên nước ta. Một số gia đình trồng ngải cứu ở quy mô nhỏ, trồng quanh nhà và trong vườn hoa cây cảnh. Nhân dân thường thu hái vào dịp tháng 6 dương lịch (ngày tết mồng 5 tháng 5 âm lịch) hằng năm. Theo kinh nghiệm dân gian, cách thu hái tốt nhất vào lúc trời sẩm tối ngày 4 tháng 5 âm lịch. Dùng chân đạp gốc ngải cứu cho đổ, ngọn ngải cứu nghiêng về phía mặt trời mọc, thân cây lệch so với mặt đất chừng 45o, đợi sáng ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, khi mặt trời mọc ra thu hái, cắt phần ngọn non của cây ngải (tính 1/3 thân cây ngải từ ngọn xuống) đem về buộc lại từng bó, mỗi bó bằng một nắm tay phơi ở trong bóng râm cho thật khô; tuốt lấy ngọn và lá non, dùng tay vò cho nhuyễn mềm tạo nên những sợi nhung tơ nhỏ gọi là “ngải nhung”. Dùng lá chuối khô gói thật kín gác lên mái bếp nơi xa lửa, để từ 1 năm trở lên đưa ra sử dụng, còn lá và cành nhỏ thái nhỏ gói kỹ để nơi mát tránh ánh nắng. Ngải phơi khô gói kỹ bảo quản lâu năm trị bệnh càng tăng công hiệu.

Theo y học cổ truyền, ngải cứu là một vị thuốc có tính hơi ôn, vị cay dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp.
*Ngải cứu được dùng làm thuốc điều kinh:
Chữa chứng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.
Một tuần lễ trước ngày có kinh và cả những ngày đang có kinh dùng lá và cành ngải cứu khô 10gram, thêm 200ml nước sắc đặc còn lại 100ml chia làm 2 lần uống sáng và chiều; uống từ 1 đến 2 ngày thấy kết quả. Mỗi đợt uống từ 3 đến 5 ngày liền.
*Ngải cứu được dùng làm thuốc an thai:
Chữa chứng đang có thai đau bụng ra máu.
Dùng lá ngải cứu khô 16gram, lá tía tô 16gram thêm 500ml nước sắc đặc còn 100ml chia đều làm 3 lần uống trong ngày pha thêm đường cho dễ uống.
Bệnh nhân phải nằm nghỉ không đi lại và uống liên tục từ 2 đến 3 ngày thuốc.
*Ngải cứu được dùng làm thuốc dưỡng thai.
Phụ nữ mang thai tháng thứ nhất dùng lá ngải cứu tươi một nắm tay nhỏ tương đương với 200gram, rửa sạch giã lấy nước cốt và 1 quả trứng gà mới rửa sạch cho chung vào một chiếc nồi nhôm nhỏ, nước cốt ngải cứu phủ được 2 phần quả trứng nấu cách thủy trứng vừa chín tới: mỗi ngày ăn 1 quả trứng, ăn liên tục từ 10 đến 30 quả trứng gà nấu cách thủy với nước cốt ngải cứu tươi trong tháng đầu mang thai có tác dụng dưỡng thai và thai phát triển tốt.

Đăng Khánh (st)

 


Ý kiến bạn đọc