Cách trị táo bón cho trẻ
Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với đặc điểm là giảm số lần đại tiện bình thường, kèm theo đi tiêu khó và đau do phân rắn hoặc quá to. Khi số lần đi tiêu dưới 2 lần/ngày đối với trẻ sơ sinh, dưới 3 lần/tuần đối với trẻ bú mẹ (trên 2 ngày/lần), hoặc dưới 3 ngày/lần đối với trẻ lớn thì coi là bị táo bón. Nếu không điều trị tốt thì táo bón có thể gây biến chứng phức tạp như dãn đại tràng, sa trực tràng, sa tử cung, trĩ... Hơn nữa, đối với trẻ, táo bón kéo dài sẽ gây chán ăn, chậm lên cân, thậm chí gây tình trạng đau bụng kéo dài hoặc nôn, trớ.
Khoai lang, thực phẩm trị táo bón hữu hiệu. Ảnh: TL |
Có 2 nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ, đó là do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa (loại này thường chỉ chiếm khoảng 5%) hoặc do nguyên nhân cơ năng (chủ yếu là sai lầm trong chế độ ăn uống, uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm; ít chất xơ do ăn ít rau xanh, quả chín; pha sữa quá đặc...). Trẻ bú sữa bò dễ bị táo bón hơn sữa mẹ. Mẹ bị táo bón, con bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón. Trẻ lớn có thói quen nhịn đại tiện do sợ bẩn hoặc ngại đi đại tiện cũng là nguyên nhân gây táo.
Khi trẻ bị táo bón vẫn nên cho trẻ ăn đủ số lượng hằng ngày, uống nhiều nước; đồng thời, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, nhất là các loại rau, củ, quả có tính nhuận tràng như: rau lang, mồng tơi, rau dền, củ khoai lang, chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long... Ngoài ra, khi trẻ đã bị táo bón không nên cho trẻ ăn cà rốt, hồng xiêm, táo. Với những trẻ bú sữa bò bị táo bón thì cần pha sữa loãng hơn bình thường một chút và có thể pha thêm một muỗng cà phê nước cam, quýt hoặc nước cháo. Còn mẹ bị táo bón mà đang cho con bú thì phải điều trị táo bón cho mẹ, ăn nhiều rau quả và uống nhiều nước. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái, 3 – 4 lần/ngày, giữa 2 bữa để kích thích tiêu hóa. Khi đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không có hiệu quả thì mới dùng thuốc (dầu Parafin): 5-10 ml (trẻ nhỏ), 10-20 ml (trẻ lớn) vào buổi sáng. Thụt hậu môn là biện pháp cuối cùng; dùng nước ấm pha với Glycerin 30-40 ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250 ml đối với trẻ trên 1 tuổi.
Canh đậu bắp, món ăn chống táo bón cho trẻ. Ảnh: TL |
Những trường hợp cần đưa trẻ đến bệnh viện: táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng; táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng; táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe (gây kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn).
Dưới đây là một số món ăn cho trẻ trên 3 tuổi bị táo bón:
- Hằng ngày, cho ăn rau khoai lang luộc hoặc nấu canh, ăn cả cái lẫn nước, mỗi ngày 60g.
- Dùng rau dền (50g), rau sam (50g) rửa sạch, xắt nhỏ luộc hoặc nấu canh, cho ăn ngày 2 – 3 lần.
- Lấy gạo nếp (30g), vừng đen (30g) cho vào nồi với 750ml nước, ninh nhừ thành cháo, để nguội, trộn thêm 3 muỗng mật ong, cho ăn thay bữa sáng.
- Lá muồng (20g) rửa sạch rồi đổ vào 500 ml nước đun sôi 15 phút, chắt lấy nước cho uống sau bữa ăn.
Khánh Duy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc