Multimedia Đọc Báo in

20 nguyên nhân gây bệnh răng lợi

18:35, 20/02/2011

1. Các loại nước uống dùng trong thể thao: Qua nghiên cứu người ta phát hiện thấy độ pH có trong các loại đồ uống thể thao có thể dẫn đến xói mòn răng do có nồng độ axít cao. Ngoài ra, những đồ uống này còn có hàm lượng đường lớn, tạo ra "thức ăn" nuôi vi khuẩn sản xuất axít phát triển, sau đó thâm nhập vào trong vết nứt và kẽ hở trong răng, gây ra bệnh sâu răng,  làm cho hơi thở có mùi.

2.Nước đóng chai:  Hầu hết các nước đóng chai có chứa hàm lượng fluoride thấp so với quy định hoặc so với nước vòi nên không lợi cho sức khỏe răng miệng. Flouride (Flo) có tác dụng làm cho cấu trúc răng khỏe, kháng sâu và thúc đẩy quá trình khoáng hóa, phục hồi hư hỏng răng, vì vậy nếu trong nước uống  có hàm lượng chất khoáng này thấp cũng không tốt.

3. Mắc bệnh tiểu đường: Căn bệnh này làm giảm sức đề kháng của cơ thể, gây nhiễm trùng lợi, bệnh nha chu, răng có hốc... Để giảm bệnh nên đi khám và điều trị sớm, duy trì hàm lượng đường huyết ở ngưỡng thích hợp và năng đánh răng, giữ vệ sinh răng lợi sạch sẽ.

4.Thuốc lá: Khói thuốc lá là thủ phạm trực tiếp gây bệnh hôi miệng, vàng ố răng, bệnh lợi, bệnh vòm họng, phổi và ung thư miệng và nếu nặng có thể gây tử vong. Ngoài ra, thuốc lá còn có hàm lượng hắc ín cao nên khi dính trên răng, giúp khuẩn sản xuất axít phát triển mạnh và tạo tiền đề cho các loại bệnh răng miệng phát triển.

5. Rượu: Giống như thuốc lá, nếu thường xuyên uống rượu có thể gây tổn hại men răng bởi độ chua của rượu có thể "hóa lỏng" cấu trúc men răng và gây vàng ố răng và nhiều chứng bệnh nan y khác. Chỉ nên uống mỗi bữa một chén nhỏ, nhất là rượu vang và tuyệt đối không dùng rượu để giải sầu hay liên tục say xỉn.

6.Mang thai: Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có những thay đổi, nhất là hàm lượng hoóc môn estrogen và progesterone, gây ra hiện tượng viêm nướu răng, tăng nguy cơ nhiễm trùng và làm tăng các rủi ro khi mang thai, nhất là sảy thai, sinh non. Vì lý do này mà giới chuyên môn khuyến cáo phụ nữ trước và khi mang thai cần đi khám nha khoa, ăn uống cân bằng và thường xuyên vệ sinh răng lợi.

7.Thuốc giảm béo: Theo nghiên cứu, thuốc giảm béo là thủ phạm làm giảm lượng nước bọt, gây khô miệng và làm tăng rủi ro mắc bệnh nướu răng, sâu răng. Nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, năng vận động sẽ có lợi hơn so với liệu pháp ép buộc, dùng thuốc để giảm cân.

8.Nghiến răng: Tật nghiến răng (bruxism) là tật xấu có thể ảnh hưởng đến xương hàm, gây đau,  làm hỏng men răng, gây sứt mẻ, thậm chí thay đổi vẻ đẹp khuôn mặt. Nên tìm cách để giảm bớt những cảm xúc, căng thẳng, làm việc, ăn uống khoa học để giảm bệnh, ngoài ra nếu tật nghiến răng kéo dài có thể đi khám và điều trị theo khuyến cáo của bác sĩ.

9.Do bánh kẹo: Do có chứa nhiều đường nên nhóm thực phẩm này không tốt cho răng lợi, tạo ra nhiều khuẩn sản xuất axít,  tấn công men răng, gây sâu răng, viêm lợi. Không nên ăn nhiều đồ ngọt trước khi đi ngủ, nên đánh răng đều đặn vào buối tối, sáng hoặc nhai kẹo cao su không đường để tăng lượng nước bọt và trung hòa axít.

10.Tuổi dậy thì: Việc tăng kích thích tố xảy ra giai đoạn dậy thì có thể gây ra nhiều mụn, dẫn đến sưng nướu răng, tăng độ nhạy cảm của răng, gây viêm nhiễm, lở loét. Nên duy trì chế độ vệ sinh, đánh răng đều đặn, nếu mắc bệnh về răng nên đi khám và tư vấn bác sĩ nha khoa.

11.Khô miệng: Khô miệng không chỉ gây khó chịu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe răng lợi. Lý do, nước bọt có tác dụng rửa sạch vi khuẩn gây sâu răng và vô hiệu hóa được các axít có hại. Nên uống nhiều nước, nhai kẹo cao su không đường, hãy sử dụng kem đánh răng có fluoride, ăn uống đủ chất, tăng cường rau xanh, hoa quả. Nếu mắc bệnh nên đi khám, tư vấn bác sĩ để có giải pháp khắc phục.

12.Ăn uống kiêng khem: Chế độ ăn uống kiêng khem (diet) thiếu cân bằng, nghèo dưỡng chất có thể gây bất lợi cho sức khỏe răng lợi. Một số dưỡng chất rất cần cho sức khỏe răng như folate, vitamin B, protein, canxi, và vitamin C: Nếu không được cung cấp đủ các dưỡng chất này có thể gây bệnh rối loạn, gia tăng chứng nhiễm trùng và dễ mắc bệnh về lợi.

13.Đồ uống nóng:  Nhiều người có thói quen dùng đồ uống nóng, canh nóng, nhất là trà đen và cà phê là đồ uống có chứa chất nhiều tanin, khi thâm nhập vào rãnh chân răng, thâm nhập vào men răng, gây xỉn răng, tạo ra nhiều khuẩn phá hủy răng và lợi.

 

14.Do tuổi tác: Khi tuổi cao răng lợi bị lão hóa, nhất là chân răng, tạo ra các loại bệnh về răng lợi. Nên sử dụng các loại thuốc đánh răng hoặc nước súc miệng giàu fluoride  để bảo vệ răng.

15.Thuốc ngừa thai: Do thuốc tránh thai có nguyên lý giống như khi mang thai nên nó có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai khi nhổ răng sẽ có mức độ đau gấp hai lần so với nhóm không dùng thuốc tránh thai. Sử dụng thuốc tránh thai là điều có lợi, cần làm nhưng nên tư vấn nha sĩ để phòng ngừa sự cố không mong muốn có thể xảy ra.

16. Không đánh răng thường xuyên: Đánh răng thường xuyên là cách tốt nhất để phòng bệnh răng lợi, giúp cho hơi thở thơm tho và làm tăng vẻ đẹp nụ cười. Ngược lại nếu không đánh răng sẽ gây ra nhiều bệnh, làm cho hơi thở nặng mùi, thiếu tự tin trong giao tiếp. 

17. Đánh răng không đúng lúc: Nhiều người ngộ nhận rằng đánh răng sau bữa ăn là cách tốt nhất nhưng theo nghiên cứu thì không phải vậy, điều này còn tùy thuộc vào đồ ăn thức uống mà con người sử dụng. Ví dụ: dùng thức ăn hoặc đồ uống giàu axít như rượu, bia, cà phê, cam quýt và hoa quả, nước sôđa thì nên để sau một tiếng hãy đánh răng. Nếu đánh răng ngay sẽ gây hiện tượng xói mòn răng.

18. Đánh răng quá nhiều: Không phải cứ siêng đánh răng sẽ làm cho răng trắng đẹp ra mà đôi khi  "hại lại nhiều hơn lợi", làm tăng sự nhạy cảm của răng, nói cụ thể hơn làm răng dễ nhạy cảm với nhiệt độ khi thay đổi như quá nóng hay lạnh quá, gây tê răng, đau đớn khó chịu. Ngoài ra việc lạm dụng chất tẩy trắng răng cũng không tốt vì sản phẩm tẩy trắng răng có chứa chất mài mòn cao gây hỏng men răng.

19. Do lạm dụng nước giải khát : Nước giải khát ngon miệng nhưng không có lợi cho sức khỏe vì có chứa nhiều đường, gây sâu răng, nhiễm trùng nướu, gây xỉn răng. Nên hạn chế, nếu có dùng nên sử dụng ống hút sau đó súc miệng  sạch  hoặc nhai kẹo cao su để trung hòa axít.

20. Quả chua và thực phẩm giàu axít: Mặc dù chanh, cam, bòng bưởi hoặc đồ uống từ các loại quả này không trực tiếp gây sâu răng như nước ngọt, nhưng chúng lại có chứa hàm lượng các loại axít cao, gây mòn men răng, làm suy yếu răng. Bởi vậy sau khi dùng nhóm thực phẩm này chờ một tiếng đánh răng, không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm này trước khi đi ngủ.

Duy Hùng (Theo Time- 8/8/2010)

 


Ý kiến bạn đọc