Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc sức khỏe người già:

Cứu người già bị nghẹn thức ăn

11:02, 27/02/2011

Người già thực quản cũng nhỏ lại, răng yếu, rụng nên thức ăn chưa được nhuyễn, miếng to, thô, dai.. thì nuốt không trôi. Thức ăn có thể gây tắc ở hầu, họng, ở thực quản, khí quản, hoặc cả hai. Thức ăn chuyển vào khí quản, do phản xạ, thanh môn mở ra, nạn nhân ho liên tiếp, nói không rõ, thở khó, tùy từng mức độ có thể dẫn đến ngạt thở! Thức ăn bít tắc khí quản nạn nhân thiếu hô hấp, mặt đỏ tía, rồi tím tái, nấc liên tục, người lờ đờ… Nếu không cứu kịp thời thì trong vài phút sẽ tắt thở!

* Cách xử lý: Cần làm ngay việc thông khí quản, báo cho người thân ở gần biết, nhất là người hiểu về y tế!
Đối với người bị nghẹn còn tỉnh táo:

- Hãy để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người trên ra phía trước. Bảo họ gắng sức ho thật mạnh, tạo dòng khí đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp, hoặc ít ra cũng tạo khe hở để được thở!

- Nạn nhân đứng, người cứu đứng phía sau, tay trái giữ vai người nghẹn, dùng tay phải đấm 4 cái vào lưng, giữa 2 xương bả vai.

- Để nạn nhân đứng hơi cúi về phía trước. Người giúp đỡ ôm ngang bụng người đó, hai bàn tay khóa chặt bụng trên, lấy 2 ngón tay cái xiết mạnh theo hướng đẩy lên miệng. Làm 4 lần như vậy, may ra vật nghẹn có thể trồi ra hoặc tạo khe thông hô hấp.

- Dùng tay hoặc vật gì đè lưỡi xuống, nhìn thấy vật cản thì dùng ngón tay hoặc kẹp lôi ra; tránh đẩy thức ăn vào sâu.

Đối với nạn nhân suy sụp, bất tỉnh.

- Đặt người bị nghẹn nằm, ấn lưỡi nạn nhân xuống, làm cho khoang miệng rộng hơn. Đấm 4 cái mạnh vào lưng, giữa 2 xương bả vai.

- Nạn nhân nằm trên nền phẳng, cứng, đầu ngả ra sau. Người cứu chữa tỳ chặt khuỷu tay vào bụng trên của người bị nghẹn, hích mạnh 4 cái hướng vào trong và lên trên. Tác dụng tạo dòng khí từ phổi đẩy thức ăn ra ngoài, thông đường thở.

Đối với người bị nghẹn bởi thức ăn đặc, nhầy, dính trơn như bánh trôi, bánh chưng, bánh uôi, múi mít mật (mít ướt) thì nhanh chóng đè lưỡi xuống, lấy tay móc, hoặc kẹp lấy vật làm nghẹn ra. Chỉ cần tạo ít khe hở là có thể giành lại mạng sống!

Cuối cùng, khi các phương pháp trên chưa kết quả:

- Cho nạn nhân nằm ngửa trên nền cứng như: sập phản, nền nhà. Người cấp cứu quỳ xuống nắm hai tay nạn nhân ép xuống ngực họ, rồi nhấc lên cao quá vai, làm liên tục, đều nhau, mong làm thông đường hô hấp.

- Dùng kim tiêm lớn, chọc vào khí quản chỗ trên hõm cổ 1 cm để mở ngay đường thở, sau đó chuyển người bị nghẹn đến bệnh viện để giải quyết.

*Cách đề phòng
Người già nên ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từ từ. Trường hợp răng còn ít, phải ăn thức ăn lỏng, vụn, dễ nuốt. Chỉ ngồi ăn khi tinh thần thanh thản để thưởng thức hương vị của món ăn; khi ăn không nên nói, cười nhiều. Người hay cáu gắt làu bàu… trong khi ăn, cũng dễ làm bữa ăn không ngon và bị nghẹn!

Phạm Duy
(Hội Đông y Buôn Đôn)

 


Ý kiến bạn đọc