Multimedia Đọc Báo in

Bổ sung vitamin A thế nào cho đúng?

14:25, 09/03/2011

Vitamin A rất cần thiết cho sức khỏe thị giác, bởi nó là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc.  Ngoài ra, nó còn giúp giữ toàn vẹn lớp tế bào biểu mô bao phủ bề mặt và các khoang trong cơ thể. Thiếu vitamin A sẽ gây khô da ở màng tiếp hợp, giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn đến mù lòa. Không những thế, việc thiếu vitamin A còn gây sừng hóa nang lông, bề mặt da thường nổi gai, làm giảm tốc độ tăng trưởng và sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật.

Tuy nhiên khi bổ sung vitamin A cho cơ thể, cần bổ sung đúng liều lượng, nếu dùng quá nhiều sẽ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe. Khi cơ thể thừa vitamin A sẽ gây đau bụng, buồn nôn, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, bong da toàn thân. Đặc biệt, khi uống trên 40.000 đơn vị mỗi ngày có thể xảy ra ngộ độc gây đau xương khớp, rụng tóc, môi khô nứt nẻ, chán ăn, gan lách to. Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày có thể khiến thai nhi dị dạng. Beta caroten - một tiền tố của vitamin A có hoạt tính cao nhất - có thể làm vàng da, nhất là ở gan bàn tay, bàn chân.

 

Đu đủ là loại trái cây rất giàu vitamin A. Ảnh: TL

Đối với việc bổ sung vitamin A, các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ cần dùng 7.500 mcg vitamin A mỗi ngày cho người trưởng thành. Với người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh gan thì lượng vitamin A mỗi ngày không được vượt quá 6.500mcg. Đối với phụ nữ mang thai, mức hấp thu tối đa là 3.000 mcg/ngày.

Cũng như tất cả các loại thuốc, vitamin cũng có mặt lợi và hại. Do đó, để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, mỗi ngày nên chuẩn bị các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ tốt hơn việc bổ sung vitamin trực tiếp.

Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu vitamin A:
 - Gan gà: 6.960mcg
- Cà rốt: 5.040mcg
- Gan lợn: 6.000mcg
- Đu đủ chín: 2.100mcg
- Trứng vịt lộn: 875mcg
- Rau ngót: 6.650mcg
- Lươn: 1.800mcg
- Rau dền: 5.300mcg

K.D ( tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc