Multimedia Đọc Báo in

Nhận biết về phòng lây nhiễm cúm A/H1N1 ở người

10:00, 16/03/2011

Virus cúm đã gây nhiều dịch lớn trên thế giới với tỉ lệ tử vong cao. Có 3 tuýp virus cúm là A, B và C, trong đó virus cúm A hay gây đại dịch. Năm 2009, virus cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch và lan rộng khắp thế giới, diễn biến rất phức tạp, số người mắc tăng nhanh và nhiều người đã tử vong. Việt Nam cũng là nước bị đại dịch cúm A/H1N1 tấn công, lan rông trong cộng đồng và đã có trường hợp tử vong. Sau một thời gian được khống chế thì hiện nay dịch cúm A/H1N1 đã bùng phát trở lại. Tính đến ngày 11-3, theo thống kê của Bộ Y tế đã có 30 tỉnh thành ghi nhận 217 trường hợp mắc, dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 7 trường hợp tử vong; đặc biệt đã xuất hiện những chùm ca bệnh như ở Bến Tre, Thừa Thiên - Huế...

Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp nhằm kịp thời chữa trị. Nếu có thông tin về người nhiễm cúm A/H1N1, cần thông báo cho Sở Y tế địa phương. Sau đây là những triệu chứng để nhận biết và một số biện pháp phòng ngừa cúm A/H1N1.

Triệu chứng:
- Sốt (thường trên 380C).
- Các triệu chứng về hô hấp:
+ Viêm long đường hô hấp;
+ Đau họng;
+ Ho khan hoặc có đờm.
- Các triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy. 
Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

Cơ chế  lây truyền:
Bệnh lây qua đường hô hấp: Người bệnh ho, hắt hơi những hạt nước bọt mang virus bắn ra ngoài làm dính ra tay họ hoặc các đồ vật xung quanh, phát tán trong không khí và người lành hít phải không khí nhiễm virus, qua bàn tay sờ vào đồ vật nhiễm virus rồi vô tình đưa tay lên mặt, mũi, miệng.

Dấu hiệu nhận biết:
Bệnh có các biểu hiện triệu chứng giống như bệnh cúm mùa: Sốt, ho, đau đầu, đau cơ và khớp, viêm họng, chảy nước mũi, đôi khi bị nôn hoặc tiêu chảy.
Bệnh có thể diễn biến nặng gây viêm phổi, suy hô hấp, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong.

Khi nghi ngờ bị mắc bệnh:
 Nếu có nghi ngờ bị mắc bệnh cần xin nghỉ học, nghỉ làm việc ở nhà; tránh đến nơi đông người; nghỉ ngơi và uống nhiều nước; dùng khăn giấy che miệng khi ho, hắt hơi và bỏ ngay khăn giấy đã dùng vào thùng rác; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, nhất là sau khi ho và hắt hơi để hạn chế virus phát tán ra môi trường xung quanh, xâm nhập vào người khác.
Báo cho gia đình và bạn bè biết tình trạng sức khỏe của mình biết, hạn chế tiếp xúc với mọi người.
Báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất biết các dấu hiệu và triệu chứng của mình.Tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế để được khám và điều trị.

Các biện pháp phòng ngừa:
Tăng cường rửa tay bằng xà phòng, bảo đảm vệ sinh cá nhân.
Súc miệng - họng bằng các thuốc sát khuẩn.
Ăn đủ chất, nhất là vitamin C để tăng sức đề kháng.
Có khẩu trang cá nhân khi ra khỏi nhà hoặc đang chăm sóc người bệnh.Trong vùng có dịch phải đeo khẩu trang.
Tránh tiếp xúc với những người đang có triệu chứng hô hấp cấp và hạn chế những nơi đông người.
Khi có biểu hiện của bệnh thì phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất.

 

Hồng Vân

 


Ý kiến bạn đọc