Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về ung thư phế quản - phổi

14:26, 22/03/2011

Ung thư phế quản - phổi (gọi chung là ung thư phổi) là ung thư xuất phát từ niêm mạc phế quản và phế nang. Đây là loại ung thư gặp nhiều nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới. Bệnh xảy ra chủ yếu ở độ tuổi từ 50 đến 75. Tại Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có một thống kê đầy đủ trên toàn quốc về tỷ lệ mắc bệnh hằng năm và tử vong do ung thư phổi gây ra. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các trung tâm y tế lớn của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì ung thư phổi chiếm tỷ lệ hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nam giới.

Bằng nghiên cứu dịch tễ học, người ta đã chứng minh được vai trò của thuốc lá trong việc gây nên bệnh ung thư phế quản - phổi. Các chất Hydrocarbon thơm có trong hắc ín và thuốc lá, đặc biệt là chất 3-4 Benzopyren là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Thuốc lá chiếm tới 90% nguyên nhân của ung thư phế quản - phổi. Nguời nghiện thuốc lá và hút thuốc lá trong nhiều năm hay những người thường xuyên phải hút thuốc lá thụ động đều là những đối tượng dễ bị ung thư phổi nhất.  Ngoài nguyên nhân do thuốc lá, ung thư phế quản - phổi còn xuất phát bởi một số nguyên nhân khác như: nhiễm phóng xạ, Amiant, Ether chloromethyl, Hydrocarbon đa vòng… Các nguyên nhân này chiếm tỷ lệ khoảng 10%.

Nội soi phế quản bằng ống mềm, một trong những kỹ thuật giúp phát hiện ung thư phế quản - phổi. Ảnh: K.O

Ung thư phế quản - phổi thường không có biểu hiện gì khi bệnh ở giai đoạn đầu. Nó chỉ có một số triệu chứng rất mơ hồ như ho húng hắng và dai dẳng không thấy khác gì nhiều với cơn ho cảm thông thường. Khi bệnh kéo dài thì thường có các biểu hiện nặng ngực, ho khạc đờm có dính máu và đôi khi có biểu hiện của bệnh viêm phổi. Tuy nhiên, đến giai đoạn muộn, thì người bệnh sẽ nhanh chóng suy sụp, đau nhói ở ngực, sụt cân, xanh xao, khàn giọng, khó nuốt… Để chẩn đoán xác định ung thư phế quản - phổi, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và làm các cận lâm sàng như: chụp X-quang tim phổi, nội soi phế quản, sinh thiết, chụp phim CT-scanner ngực…

Hiện nay, ung thư phế quản - phổi được điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, điều trị hóa chất và tia xạ. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật chỉ được áp dụng khi bệnh ở giai đoạn đầu, tức là ung thư còn nhỏ. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của ngành y tế, đa số ung thư phế quản - phổi đều phát hiện được khi ở giai đoạn cuối. Trong 100 người bệnh đã có đến 50 người không còn khả năng thực hiện phẫu thuật và trong số 50 người còn lại thì chỉ có khoảng 20% có thể cắt khối u thực sự.

Có thể nói, cho đến nay, việc tầm soát để phát hiện được ung thư phổi ở giai đoạn sớm còn gặp nhiều khó khăn, chưa có một xét nghiệm nào đủ độ tin cậy để xác định được bệnh ở thời kỳ này. Vấn đề hết sức quan trọng nữa của ung thư phổi là bệnh diễn tiến nhanh, khó điều trị. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải phòng bệnh thật tốt và phương pháp phòng bệnh tối ưu là không nên hút thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.

Bs.CKII Đào Anh Dũng
Khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện Đa khoa Dak Lak
 

 


Ý kiến bạn đọc