Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu ung thư ở trẻ em

16:37, 20/03/2011

Ung thư cũng có thể gặp ở trẻ em nhưng thật ra rất hiếm gặp, khoảng 100 người bị ung thư thì mới có 1 trẻ em bị ung thư. Ở nước Pháp, mỗi năm có khoảng 1.500 đến 2.000 trẻ em bị ung thư, khoảng 1 triệu trẻ em ra đời thì có khoảng 120 trẻ em bị ung thư.

Trong tổng số trẻ bị ung thư thì có đến phân nửa là ung thư máu (bệnh bạch cầu cấp) và ung thư hạch (ung thư lymphôm), số còn lại bị các loại bướu đặc mà tính chất khác hẳn với bướu của người lớn. Phần lớn các bướu đặc của trẻ là bướu của thời kỳ phôi thai (từ Y học gọi là bướu nguyên bào), thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, các tế bào ung thư mang đặc điểm giống với các tế bào thời kỳ phôi thai. Các loại bướu này hay gặp ở thận, mắt, cơ quan sinh dục, gan. Ở trẻ lớn hơn thì có thể bị các loại ung thư giống như ở người lớn, chẳng hạn như ung thư xương, ung thư cơ. Điều đặc biệt là ít khi thấy ung thư phổi, ung thư ruột ở trẻ em.

Cũng chẳng khác gì như ở người lớn, khi ở giai đoạn sớm thì triệu chứng rất mập mờ, khi khối bướu lớn lên đến một mức độ nào đó thì mới lộ ra được. Có một số đặc điểm cần phải lưu ý: sự tăng trưởng trong một vài tuần, thậm chí trong vài ngày của khối bướu không nhất thiết với mức độ trầm trọng của bệnh; cha mẹ thường không lo âu lắm khi phát hiện con mình có khối bướu mà vẫn ăn, chơi, chạy nhảy, đi cầu, đi tiểu bình thường; nhưng cũng chính bậc cha mẹ là người hướng dẫn cho thầy thuốc phát hiện thăm khám khối bướu và kể cho thầy thuốc biết được những triệu chứng phụ do khối u đã gây nên.

Bất cứ cơ quan nào ở trẻ nhỏ cũng có thể bị ung thư: các tạng trong ổ bụng, trong lồng ngực, ở ngoài da, các hạch ở vùng bẹn – cổ – nách, mắt, não…

Trừ một vài trường hợp phải mổ cấp cứu vì xảy ra biến chứng, đa phần còn lại đều được thầy thuốc xem xét, đánh giá hết sức cẩn thận để tìm ra các biện pháp điều trị có kết quả tốt nhất: phải xác định rõ loại ung thư bằng các xét nghiệm cận lâm sàng, đặc biệt là giải phẫu bệnh (sinh thiết), phải xem ung thư lan đến đâu và có di căn chưa, phải phối hợp điều trị giữa các chuyên khoa với nhau thật tốt.

Bs. CKII Đào Anh Dũng
(Khoa Ngoại Tổng quát – BV Đa khoa tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc