Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc khi trẻ bị cảm

15:00, 09/04/2011

Cảm thông thường là bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây nên và rất dễ lây. Trẻ bị cảm sẽ đi từ các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và ho liên tục đến viêm họng, viêm phổi và phế quản. Mỗi năm trẻ có thể bị cảm tới 8 lần, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Khi trẻ bị cảm, các mẹ có thể sử dụng vài cách trị liệu đơn giản dưới đây.

1. Điều chỉnh chế độ ăn

Thông thường, trẻ cần khoảng 7 ngày để hồi phục sau khi bị cảm lạnh. Lúc này nên cho trẻ ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hoá. Mẹ nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu protein như trứng gà, các chế phẩm từ đậu. Trẻ cần ăn nhiều rau xanh và hoa quả để bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể. Mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước, tạm thời không cho bé ăn các thực phẩm như thịt, cá, tôm và kị đồ lạnh.

Khi trẻ bị cảm thường hay có các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và ho. Ảnh: TL

2. Đặt thuốc ở rốn

Có thể đặt thuốc ở rốn trẻ để trị các chứng cảm nóng hoặc cảm lạnh.

Chứng cảm nóng: giã nát 30g hành trắng với 15g liên kiều, cho vào túi vải, đặt lên rốn trẻ. Chờ một lúc rồi cho trẻ uống nước ấm để nhanh ra mồ hôi.

Chứng cảm lạnh: giã nát 30g hành trắng, 1 lát gừng tươi, cùng 5-7 hạt hồ tiêu, cho vào túi vải, đặt lên rốn trẻ. Sau đó cho trẻ uống nước ấm để nhanh ra mồ hôi khử hàn.

Với cả 2 loại cảm trên, sau khi bé đã ra mồ hôi, cần bỏ túi vải ra khỏi rốn trẻ.

3. Nắm thuốc trong bàn tay

Khi trẻ sơ sinh bị cảm do trúng hàn: Dùng 15g bạc hà, 15g phòng phong, 2 lát gừng tươi. Giã nát bạc hà và phòng phong, sau đó giã dập gừng tươi, cho 1 thìa nhỏ nước, rồi bỏ tất cả vào 2 túi vải dài khoảng 7-10cm, đặt vào 2 lòng bàn tay trẻ. Bên ngoài dùng vải mềm để cố định. Sau 15-20 phút bỏ ra.  
Khi trẻ bị cảm mạo, hơi sốt, hoặc ho: Giã nát 9g bạc hà, 9g liên kiều, 6g trần bì, cho 1 thìa nhỏ nước, sau đó cho vào 2 túi vải khác nhau, đặt vào tay trẻ giống như ở trên.

Chú ý: Khi đặt thuốc cần đặt đúng tâm lòng bàn tay bé để thuốc có hiệu quả.

4. Cải thiện hệ hô hấp

Trước khi ngủ, dùng khăn nóng lau 2 bên cánh mũi cho trẻ. Hơi nóng có thể tạm thời làm giảm tình trạng bị tắc mũi, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Khi ngủ nên cho bé nằm nghiêng, bởi tư thế này có thể giúp giảm áp lực cho một bên lỗ mũi, giúp mũi của trẻ dần đỡ ngạt hơn. Đồng thời, mẹ nên vỗ nhẹ lưng trẻ để giúp long đờm.

K.O (nguồn Dân trí)


Ý kiến bạn đọc