Bệnh thủy đậu và biện pháp phòng ngừa
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp mắc bệnh thủy đậu (còn gọi là phỏng dạ, trái rạ). Bệnh xuất hiện quanh năm, nhất là khi thời tiết chuyển mùa và lan thành dịch. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella zoster virus gây ra. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa vi rút hoặc do tiếp xúc với tổn thương da ở người bị thủy đậu.
Biểu hiện của bệnh: Khi mắc bệnh thủy đậu bị sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ, bứt rứt do da bị ngứa rất khó chịu và sau đó trên da xuất hiện ban rồi tạo thành nốt phỏng có nước, kích thước bằng hạt đậu mọc rải rác toàn thân. Các nốt phỏng đa số mọc ở vùng da đầu, mặt, ngực, lưng, bụng, có khi mọc ở cả niêm mạc miệng, họng, kết mạc. Những nốt phỏng có nước trong thường sau 3-4 ngày sẽ xẹp xuống, hoặc bị vỡ rồi đóng vảy. Các nốt phỏng vỡ nếu không bị nhiễm trùng khi bong vảy sẽ không để lại sẹo trên da. Nếu vết phỏng bị bội nhiễm do vệ sinh da không tốt, do bị bệnh nặng có thể bị xuất huyết kèm theo gây tổn thương da và dễ để lại sẹo trên da sau khi khỏi bệnh. Bệnh thường tiến triển lành tính, tuy nhiên cũng có khi bệnh nặng gây nguy hiểm đến tính mạng với các biến chứng nhiễm trùng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm thận, viêm não, thậm chí gây tử vong.
Ở người lớn, bệnh biểu hiện dưới dạng Zona thần kinh (dân gian gọi là bệnh giời leo). Zona là bệnh xảy ra khi cơ thể bị nhiễm vi rút từ trước, khi gặp các yếu tố bất lợi như có thai, chấn thương... bệnh zona mới xuất hiện. Với phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ, nếu bị nhiễm vi rút bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm bởi có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi (tỷ lệ 20%). Trường hợp trước hay sau khi sinh một tuần mẹ bị nhiễm vi rút thủy đậu, trẻ sơ sinh sẽ bị bệnh thủy đậu bẩm sinh và rất dễ gây tử vong sau sinh (khoảng 30%).
Nếu bị bệnh nhẹ, được phát hiện sớm, được chữa trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu bị bệnh cấp tính, sức đề kháng cơ thể yếu, trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc chu đáo, chẩn đoán, điều trị muộn và đã bị các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi,... nặng hơn nếu bị bội nhiễm vi khuẩn từ nốt phỏng da (thường là tụ huyết trùng), trẻ có thể bị nhiễm trùng máu, viêm não mủ và nguy cơ tử vong thường cao.
Một số trường hợp bị bệnh thủy đậu không có biểu hiện lâm sàng, trên da không có các nốt phỏng nên khó phát hiện trẻ bị bệnh để cách ly. Thời kỳ ủ bệnh thường là kín đáo (2-3 tuần), thời gian lây bệnh nhanh là trước khi phát ban và sau khi xuất hiện các nốt phỏng đầu tiên trên da. Vì vậy, việc phát hiện sớm những biểu hiện của bệnh thủy đậu để kịp thời cách ly, hạn chế lây bệnh sang người lành hiện còn là vấn đề khó khăn đối với công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là cho trẻ em tại các trường học.
Biện pháp phòng bệnh: Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu. Vắc xin phòng bệnh thủy đậu hiện đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta là Okava của Nhật, Varlirrix của Bỉ. Vắc xin có tác dụng bảo vệ 70-90% trong vòng từ 3 đến 6 năm.
Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu như sau:
Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 1 liều 0,5ml.
Trẻ 13 tuổi trở lên: tiêm 02 liều 0,5ml, mỗi liều cách nhau 6-10 tuần.
Người có bệnh mạn tính, suy giảm hệ miễn dịch tiêm nhắc lại vắc xin liều thứ 2 cách liều đầu khoảng 4 tuần.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ nhỏ, người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch... vì thế cần tiêm phòng trước tiên. Một số trường hợp trẻ sau khi tiêm phòng vắc xin bệnh thủy đậu vẫn bị mắc bệnh lại. Tuy nhiên các trường hợp này thường là nhẹ với một số biểu hiện như sốt, ít có nốt phỏng dạ và ít bị bội nhiễm hơn.
Điều trị và chăm sóc người mắc bệnh thủy đậu:
Cần tuân thủ đúng nguyên tắc điều trị của bác sĩ để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
Chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Nếu mắc bệnh thủy đậu nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách tăng cường chế độ dinh dưỡng và vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể, vệ sinh da sạch sẽ, khô ráo và bôi dung dịch Xanh methylen, methylen blue lên nốt phỏng dạ, không làm vỡ nốt phỏng để tránh gây bội nhiễm rất nguy hiểm.
Lưu ý: không tắm nước lá, đắp các loại lá lên nốt phỏng dạ để tránh tổn thương da nặng hơn, tránh gây bội nhiễm vi trùng, đặc biệt là gây nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong....
Tại các trường học khi phát hiện trẻ mắc bệnh thủy đậu nhà trường cần liên hệ và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để trẻ được nghỉ học, đưa trẻ tới cơ sở y tế chữa trị sớm, cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây nhiễm sang trẻ lành. Cho trẻ dùng khăn mặt, chậu rửa mặt, đồ dùng cá nhân riêng...
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan song khi khỏi bệnh có thể miễn dịch lâu dài với bệnh. Các chuyên gia y tế khẳng định tiêm vắc xin thủy đậu là cách phòng bệnh tốt nhất cho mọi người.
Ý kiến bạn đọc