Dinh dưỡng cho trẻ, những sai lầm thường gặp
Chị Hà ở Buôn Ma Thuột, ngoài 30 tuổi mới sinh con đầu lòng trong sự mong chờ của hai bên gia đình. Do ý thức rõ về việc mang thai lần đầu ở tuổi ngoài 30 nên chị cẩn thận chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn thai kỳ. Khi sinh, em bé khỏe mạnh, nặng 3,8kg. Nhưng khi cháu được 5 tháng tuổi, tóc cháu bị rụng, mồ hôi trộm, ngủ không ngon giấc hay vặn mình. Tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, hỏi bạn bè chị được khuyên đưa con đi bác sĩ khám dinh dưỡng vì những biểu hiện của thiếu canxi. Vợ chồng chị định cho con đi thành phố Hồ Chí Minh khám, nhưng lúc ấy, bà nội cháu đang trực tiếp trông cháu cho rằng “Bà nuôi 7 – 8 người con không ai phải thuốc men cả”, trẻ con đổ mồ hôi là chuyện bình thường vì thời tiết nóng; rồi trẻ con phải rụng tóc máu đi mọc tóc mới; đầu cháu bẹt là do nằm nhiều… Phần khác, bà xót cháu phải đi đường xa nên cương quyết cản việc chúng tôi đưa con đi thành phố khám. “May sao, khi cháu bị ốm, tôi đưa cháu tới khám tại Phòng khám 274 Y Jút, TP. Buôn Ma Thuột tôi được bác sĩ Hồ Tân Tiến khám và tư vấn dinh dưỡng đối với lứa tuổi của con tôi. Sau một thời gian tính cực bổ sung vitamin bằng nhiều cách như: uống vitamin, bổ sung từ thức ăn, phơi nắng… cháu đã hết các hiện tượng tóc rụng, mồ hôi trộm, hay vặn mình và cứng cáp hơn”, chị Hà nói.
Có rất nhiều bà mẹ thắc mắc tại sao con mình được ăn uống rất đầy đủ dưỡng chấ, chăm sóc chu đáo mà vẫn thấp bé nhẹ cân hơn bạn bè cùng trang lứa. Đơn cử như chị Khánh ở xã Cư Êbur đưa con đi tới khám và tư vấn dinh dưỡng tại phòng khám của bác sĩ Tiến băn khoăn: “Không hiểu sao con tôi được ăn uống cẩn thận nhưng vẫn bị còi xương suy dinh dưỡng”. Sau khi được bác sĩ giải thích về các chỉ số chiều cao, cân nặng cần thiết ở trẻ, chị K đã hiểu ra vì sao con chị lại bị suy dinh dưỡng lạ vậy. Theo phác đồ điều trị của bác sĩ, sức khỏe, thể trạng con chị tiến triển tốt, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Trên đây là những câu chuyện mà các bà mẹ nuôi con nhỏ thường gặp phải. Bác sĩ Hồ Tân Tiến cho biết: Vấn đề dinh dưỡng của trẻ luôn được đánh giá quan trong nhất vì nó liên quan tới tình trạng sức khỏe trong những năm sau này. Ngày nay, với việc dễ dàng tiếp cận, tích lũy thông tin, kinh nghiệm chăm trẻ qua các phương tiện thông tin đại chúng nên các ông bố bà mẹ cũng dễ dàng có được những kiến thức tối thiểu đối với việc chăm sóc con – nhất là chế độ dinh dưỡng đối với trẻ. Tuy nhiên, trong việc chăm sóc trẻ đôi khi việc quyết định nuôi con theo chế độ nào lại không do các ông bố bà mẹ mà bị ảnh hưởng nhiều từ cách chăm trẻ của ông bà hoặc những người lớn tuổi trong gia đình. “Chính vì vậy mà có rất nhiều bà mẹ khi con bị ốm đưa con tới khám bệnh tại phòng khám chứ họ chưa có thói quen đưa con mình đi khám dinh dưỡng định kỳ. Sau khi bác sĩ khám, tư vấn về dinh dưỡng đã không ít bà mẹ hỏi tôi rằng “con em phát triển bình thường có cần thiết phải bổ sung vitamin?” – bác sĩ Hồ Tân Tiến chia sẻ.
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ khỏe mạnh cũng nên bổ sung vitamin. Bởi vì các vitamin vốn có trong thực phẩm sẽ bị mất đi hay giảm trầm trọng trong một bữa ăn đầy đủ nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C), hoặc bảo quản chế biến thực phẩm không tốt (gạo càng trắng càng có ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn...). Mặt khác, cơ thể không thể tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ khi tắm, phơi nắng thích hợp để biến tiền vitamin D thành vitamin D), nên ta phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin. Nếu hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất, với 600g thức ăn ta sẽ được cung cấp khoảng 1g vitamin. Vì vậy, nhiều khi bác sĩ vẫn khuyên cho những trẻ xem ra khỏe mạnh uống bổ sung vitamin.
Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K.
Chính vì vậy, các ông bố, bà mẹ nên đưa con đi khám dinh dưỡng định kỳ để các bác sĩ có thể phát hiện sớm việc trẻ có nguy cơ dọa suy dinh dưỡng để bổ sung dưỡng chất kịp thời cho trẻ. Mặt khác, trước khi các cháu chuyển sang một giai đoạn mới như: chuẩn bị đi nhà trẻ, bắt đầu vào năm học, hay thời tiết đổi mùa… bố mẹ nên tăng cường dưỡng chất giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để khỏe mạnh, linh hoạt thích nghi với môi trường mới.
Ý kiến bạn đọc