Multimedia Đọc Báo in

Đề phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát

14:23, 18/05/2011

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện trung bình mỗi tuần cả nước ghi nhận từ 400 - 500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 13.000 người mắc SXH. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, các địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống SXH, đề phòng dịch bùng phát, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng và mưa nhiều như hiện nay.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH hiện phát triển mạnh là do sự biến đổi khí hậu làm môi trường thay đổi. Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, không những ảnh hưởng đến con người mà còn tác động đến chu trình sinh học của các loại côn trùng. Trong khi đó, độ kháng thuốc của muỗi đối với hóa chất diệt muỗi càng ngày tăng. Mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng góp phần tăng thêm nguồn lây nhiễm. Năm 2011, thời tiết được dự báo có nhiều diễn biến bất thường sẽ khiến mùa hè năm nay nóng hơn thường lệ. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển, bệnh có khả năng xuất hiện sớm hơn mọi năm và dịch có thể bùng phát trở lại…

Dịch SXH năm 2010, nhiều người bệnh nhập viện trong tình trạng mắc SXH nặng. Ảnh: K.O

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cũng cho thấy, năm 2010, cả nước có hơn 110.000 trường hợp SXH, trong đó có gần 90 ca tử vong. So với năm 2009 số người mắc SXH và số người tử vong đều tăng. Bệnh SXH thường xuất hiện ngay từ đầu năm, nhưng bắt đầu có xu hướng gia tăng trong tháng 6 và đặc biệt cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10. Bệnh SXH do virus Dengue gây nên và thông qua trung gian là muỗi Ae.aegypti. Hiện nay, bệnh này vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Người đã từng bị SXH vẫn có khả năng mắc lại với phân tuýp virut khác. Khi cơ thể bị nhiễm tuýp virut nào (có 4 loại tuýp virus: 1,2,3,4) thì sẽ sinh ra kháng thể chống tuýp virut đó. Khi có sự phối hợp miễn dịch, tức là kháng thể của 2 loại tuýp kết hợp sẽ gây phản ứng, làm tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân bị choáng… dẫn đến bệnh sẽ nặng hơn.

Thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước đây SXH thường lưu hành dạng tuýp 1, nay chuyển sang tuýp 4, khi thay đổi tuyp thì bệnh lâm sàng sẽ nặng lên. Cụ thể, trước đây rất ít gặp trường hợp sốt xuất huyết bị suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu trầm trọng mà chỉ gặp các trường hợp giảm hồng cầu. Tuy nhiên năm 2010 đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nặng phải thở máy. Còn theo nhận định của các bác sĩ tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nhiều người do chủ quan, nhầm lẫn SXH với bệnh cúm thông thường nên nhập viện khi tình trạng bệnh đã khá nặng. Giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày thứ 4 đến thứ 6, lượng tiểu cầu hạ nhiều, có tình trạng xuất huyết ở da, niêm mạc, chân răng, tăng thoát dịch, hạ huyết áp… Những triệu chứng này khó nhận biết nên nếu cứ để bệnh nhân ở nhà sẽ rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng sốc, trụy mạch hoặc xuất huyết các cơ quan nội tạng hoặc xuất huyết não. Nếu không được điều trị và hỗ trợ truyền máu kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và hiểu đúng về bệnh SXH là cách để nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh này. Ảnh: K.O

Dù sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm nhưng cũng rất dễ phòng ngừa. Do vậy, nếu phát hiện người nhà bị các triệu chứng như sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, phát ban, nôn, buồn nôn hoặc có các biểu hiện xuất huyết tự nhiên như chấm xuất huyết dưới da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa… thì cần phải lưu tâm tới bệnh SXH. Dịch sốt xuất huyết được xác định liên quan đến tác nhân truyền bệnh từ muỗi. Vì thế, để tránh nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, các cơ quan chức năng cần triển khai ngay những biện pháp phòng chống dịch trên diện rộng. Trong đó cần giám sát chặt chẽ các ca bệnh tại cộng đồng, đặc biệt giám sát những ổ dịch cũ, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời tuyên truyền khuyến cáo người dân làm vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, diệt bọ gậy, loăng quăng và khi đi ngủ phải nằm màn.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc