Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè
Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thì đó chính là nguồn gây bệnh, gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là vào mùa hè, nguy cơ làm thực phẩm không an toàn vệ sinh càng tăng cao, do thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, trong đó có vi khuẩn gây bệnh và lây nhiễm vào thực phẩm. Khi ăn phải những thực phẩm bị ô nhiễm, sau một vài giờ có thể xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như: buồn nôn, ói, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy,… và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa hè cần được quan tâm.
Mùa hè có nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, kết hợp với môi trường nhiều gió, bụi, côn trùng làm cho thực phẩm dễ dàng bị ô nhiễm vi sinh vật; trong đó có những vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, lỵ, hoặc virus gây viêm gan siêu vi A,... Bên cạnh đó, các vi sinh vật cũng làm cho thực phẩm nhanh chóng hư hỏng, biến chất, có mùi khó chịu và có thể gây ngộ độc.
Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng thức uống giải khát tăng cao, nhất là nước đá, lại được bày bán ở các vỉa hè đường phố - là nơi dễ dàng bị ô nhiễm do bụi đường, khói xe, ruồi, kiến cộng với nguồn nước không hợp vệ sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi làm lây lan các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy cấp. Mặt khác, nhu cầu sử dụng rau quả tươi cũng tăng lên trong mùa hè nóng nực, tuy nhiên nếu rau quả tươi không bảo đảm vệ sinh an toàn sẽ là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Rau quả tươi nếu không sản xuất theo mô hình rau sạch, an toàn thì dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất còn sót lại trên rau quả thường rất cao. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao làm cho rau quả mau hư hỏng, héo úa cũng dễ gây bệnh khi ăn; rau ăn sống không được bảo quản và rửa đúng cách vẫn còn tồn tại nhiều vi sinh vật gây bệnh.
Để phòng tránh nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau: đối với mỗi bếp ăn, hộ gia đình thì cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn là: chọn các thực phẩm tươi, sạch tự nhiên, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, có thể rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối, sục rửa bằng oxy già; ăn ngay sau khi vừa nấu xong; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín; đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng; và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.
Đối với người tiêu dùng khi chọn nơi ăn uống cần chú ý một số điểm sau: nơi bày bán, phục vụ ăn uống cách xa nguồn ô nhiễm, xa đường đi nhiều khói bụi, có mái che để tránh mưa nắng, bụi, côn trùng,… Nơi bán hàng sạch sẽ, thoáng mát và có các tủ, kệ, hộp đựng thức ăn sạch, kín. Người bán hàng cần dùng bao tay khi cầm trực tiếp lên thức ăn; có kẹp gắp thực phẩm chín ăn ngay. Người chế biến phải có tạp dề, nón, găng tay,… hợp vệ sinh. Có nơi chứa rác và xử lý rác hợp vệ sinh. Không có côn trùng, động vật gây hại. Có đủ nguồn nước hợp vệ sinh để chế biến thức ăn và vệ sinh dụng cụ.
Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng ta cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách: nên từ bỏ thói quen ăn uống không tốt như không ăn, uống ở các quán vỉa hè gần nơi cống rãnh; không uống nước đá không rõ nguồn gốc, hoặc nước giải khát và nước đóng chai không nhãn mác; không ăn các loại thức ăn còn sống như thịt, cá, hải sản, gỏi cá, tiết canh, trứng gia cầm,... Luôn bảo quản thực phẩm ở những nơi thoáng mát và có nhiệt độ thấp, tốt nhất là để thực phẩm trong tủ lạnh hoặc ướp đá quanh thực phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ý kiến bạn đọc