Làm gì để phòng tránh hội chứng Rubella bẩm sinh?
Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ngày càng giảm dần nhờ tiêm chủng và thành tựu y học thì các bệnh lý do virut gây ra vẫn còn rất ít biện pháp khống chế, nhưng lại rất nguy hiểm nếu xảy ra ở thời kỳ bào thai và sơ sinh. Trong số đó có bệnh do virut Rubella và cytomegalovirus (CMV) gây nên, đặc biệt là hội chứng Rubella bẩm sinh (HCRBLBS).
Nguyên nhân gây bệnh Rubella
Bệnh Rubella (hay còn được gọi bằng tên thông thường là bệnh sởi Ðức) là một bệnh do một loại virut có tên là Rubella gây ra. Người là cơ thể nhiễm duy nhất của virut này. Khi nhiễm virut Rubella sẽ gây ra hội chứng giả cúm kèm theo phát ban sau 2-3 tuần ủ bệnh. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau mỏi cơ, đau khớp, phát ban từ mặt lan xuống toàn thân và chân tay trong 2-3 ngày, kèm theo nổi hạch nhỏ ở vùng sau tai, vùng chẩm và cạnh cổ. Virut sẽ biến mất khỏi cơ thể sau khoảng 7 ngày kể từ khi phát ban. Khoảng 1/3 người nhiễm virut này không có triệu chứng gì và thường có khoảng 10-20% dân chúng không có miễn dịch tự nhiên do chưa bị nhiễm Rubella. Bệnh ít gây hậu quả đáng kể trên lâm sàng, trừ khi xảy ra ở phụ nữ đang mang thai trong nửa đầu thai kỳ, vì sẽ gây sảy thai, thai chết lưu hoặc HCRBLBS ở trẻ (dẫn đến các bệnh lý bẩm sinh như: mù bẩm sinh, tim bẩm sinh, điếc bẩm sinh... gây tàn phế và để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe suốt đời cho trẻ).
Trẻ nhiễm Rubella bẩm sinh thường gặp nhiều rắc rối về sức khỏe. Ảnh minh họa: K.D |
Rubella là bệnh truyền nhiễm có chỉ số lây truyền khá cao (khoảng 80% số người chưa từng có miễn dịch) và nằm trong nhóm bệnh có chỉ số lây nhiễm cao nhất. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus Rubella và phát bệnh. Dịch bệnh Rubella có tính chu kỳ, trung bình bảy, tám năm hoặc có khi dài hơn. Người bệnh có thể truyền bệnh cả trong giai đoạn ủ bệnh, khởi phát và toàn phát. virus có thể tồn tại trong trạng thái gây bệnh ngoài môi trường từ một đến vài giờ, tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí. Những nơi tập trung đông người, như trường học, ký túc xá sinh viên, công nhân... là môi trường lây bệnh thường gặp nhất. Hơn 65% số vụ dịch Rubella được thống kê năm 2005 xảy ra ở khu công nghiệp, nơi tập trung đông học sinh. Virut Rubella có thể tồn tại kéo dài ở phụ nữ có thai và thai nhi nhiễm bệnh (hơn 80% số trường hợp trẻ mắc HCRBLBS có thể thải virut qua dịch tiết hô hấp và nước tiểu trong nhiều tháng sau khi sinh). Sau khi mắc bệnh, người bệnh có miễn dịch lâu dài với virus Rubella, tuy nhiên gây miễn dịch chủ động bằng vaccine vẫn là biện pháp phòng ngừa chủ động, tích cực nhất.
Hội chứng Rubella bẩm sinh
Những phụ nữ chưa có miễn dịch tự nhiên do chưa từng nhiễm Rubella nếu khi mang thai bị nhiễm Rubella thì con của họ khi sinh ra sẽ có rất nhiều nguy cơ bị HCRBLBS. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến các bệnh lý điếc bẩm sinh, mù bẩm sinh, bệnh tim hoặc bệnh não bẩm sinh. Các bệnh lý bẩm sinh này thường xảy ra khi mẹ nhiễm Rubella trong 20 tuần đầu thai kỳ. Tỷ lệ có nguy cơ dị tật bẩm sinh trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể lên tới 50% số trường hợp nhiễm virut (có nghiên cứu cho rằng, tỷ lệ có thể lên tới 80%, trong hai tháng đầu); trong ba tháng tiếp theo nguy cơ này khoảng từ 10 đến 30%. Con của những phụ nữ mắc Rubella nhất là trong giai đoạn 12 tuần đầu mang thai có thể biểu hiện một hoặc nhiều dị tật, bệnh lý bẩm sinh, như: hở hẹp van tim, tồn tại ống thông tim hoặc động mạch, đục thủy tinh thể, điếc, các dị tật về xương dài, bại não, dị dạng ở não, phổi, mắt, những khiếm khuyết về tâm thần...
Đa số trẻ bị HCRBLBS do mẹ chưa được miễn dịch nên nhiễm Rubella trong khi mang thai, nhưng cũng có một số ít trường hợp do mẹ tái nhiễm Rubella trong khi mang thai. Trong 3 tháng đầu mang thai, nếu mẹ nhiễm Rubella có thể sẽ bị sảy thai, thai chết lưu hoặc HCRBLBS nhưng cũng có thể thai hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Từ tuần 12 đến tuần 28 của bào thai, rau là hàng rào bảo vệ hoàn hảo cho thai nhi, nhưng trước và sau giai đoạn trên, rau thai không ngăn được virut, đặc biệt là những tuần cuối trước sinh. Tuổi thai vào thời điểm mẹ nhiễm Rubella là yếu tố có tính quyết định thai nhi có bị nhiễm virut và bị bệnh lý hay không. Mức độ bệnh lý giảm dần khi bào thai bị nhiễm Rubella vào thời điểm tuổi thai tăng dần. Tuy không có biểu hiện tổn thương bẩm sinh, nhưng việc nhiễm virut mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào của một số tổ chức, vì vậy nhiều trẻ lúc mới sinh không có biểu hiện bất thường nhưng nhiều năm sau lại có di chứng. Gần đây người ta thấy rằng ở trẻ bị Rubella bẩm sinh dù lúc nhỏ không có biểu hiện gì, nhưng về sau có thể xuất hiện đái tháo đường, suy hoặc cường tuyến giáp.
Tiêm văcxin Rubella là cách tốt nhất để phòng bệnh Rubella. Ảnh: TL |
Cách phòng tránh bệnh Rubella
Nhiễm Rubella trong thời kỳ mẹ mang thai sẽ có nguy cơ rất cao sinh ra con mang dị tật bẩm sinh, có thể là xuất hiện ngay khi đẻ nhưng cũng có thể xuất hiện về sau. Ở Việt Nam, các thầy thuốc nhi khoa, nhãn khoa và tai mũi họng đã chứng kiến các bệnh lý đau lòng do nhiễm Rubella bẩm sinh nên đều thấy rõ nhu cầu cần khống chế bệnh này. Tuy nhiên, khi trẻ đã ra đời với HCRBLBS, việc giải quyết các hậu quả rất thụ động, rất tốn kém nhưng hiệu quả lại không đáng kể.
Để chủ động dự phòng bệnh Rubella cho người dân, biện pháp tốt nhất là sử dụng vaccine Rubella. Đối với trẻ em, nên tiêm hai mũi, mũi một sau 15 tháng tuổi, mũi hai cách sáu đến mười tháng hoặc tiêm vào lúc trẻ bốn đến sáu tuổi. Người lớn nếu chưa từng mắc Rubella cũng nên được tiêm chủng, nhất là phụ nữ ở độ tuổi mang thai. Đối với phụ nữ trẻ dự kiến có thai nên tiêm một mũi vaccine trước khi có thai ít nhất một tháng, tốt nhất trước ba, bốn tháng. Khi đã có thai tuyệt đối không được tiêm vì vaccine Rubella là vaccine sống giảm động lực. Biện pháp tốt nhất khi đó là phòng bệnh cho bản thân bằng việc hạn chế tiếp xúc với đám đông, nhất là khi có dịch; mang khẩu trang và vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng các dung dịch xúc họng; đồng thời theo dõi, phát hiện sớm nếu có các triệu chứng sốt nhiễm trùng phát ban để khám và được tư vấn. Trong trường hợp phụ nữ có thai, nhất là giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ, nếu có triệu chứng nghi mắc Rubella cần đến khám và được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phụ sản, truyền nhiễm, đồng thời thực hiện xét nghiệm máu để có kết qủa chính xác, từ đó sẽ đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất.
K.D (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc