Multimedia Đọc Báo in

Giữ vệ sinh tốt để phòng bệnh tay - chân - miệng

09:52, 22/06/2011

Bệnh tay – chân – miệng (TCM) là một bệnh có liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và sử dụng nguồn nước không bảo đảm,... Bệnh do siêu vi thuộc nhóm Enterovirus gây ra (một loại virus đường ruột). Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh ít gây biến chứng nhưng nếu có thì rất nặng và dễ tử vong.

Bệnh TCM do virus Entero 71 gây ra có những triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ; sưng miệng; nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Bong bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Những triệu chứng này khiến nhiều bác sĩ chẩn đoán nhầm là bệnh thủy đậu, nhiễm trùng da hay dị ứng,... Nếu bệnh do các virus lành tính gây ra, bóng nước tự xẹp đi, bệnh có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Nhưng nếu bệnh do virus Entero 71 gây ra, một số trẻ có thể bị biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu không chú ý. Vì vậy, các phụ huynh cần để ý con mình, phát hiện, đưa trẻ vào viện sớm để tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra. Hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng để giảm thiểu những biến chứng, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế nếu thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh để điều trị kịp thời.

Cách xử trí thông thường là cho trẻ nghỉ ngơi và điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, kết hợp với tăng sức đề kháng. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng da nên cần phải vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xướt da, thay quần áo sạch hằng ngày, cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và nhu cầu, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo…

Bệnh TCM cũng chưa có vaccine dự phòng, do vậy, cần phòng ngừa bệnh cho trẻ bằng cách giữ vệ sinh như: vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần thay tã cho trẻ; rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi có thể nhiễm virus bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloramin B; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống chín; cách ly trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm. Những người chăm sóc trẻ bị bệnh TCM có thể giảm nguy cơ bị lây nhiễm nếu tránh tiếp xúc gần gũi với trẻ bệnh như: ôm, hôn, dùng chung thức ăn, chén dĩa,...

Liên Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.