Multimedia Đọc Báo in

Sơ cứu ban đầu cho trẻ em

10:34, 12/06/2011

Trẻ em, nhất là các em sống ở nông thôn, miền núi thường dễ gặp những tai nạn do ngạt nước, giật điện, ong chích... Nhằm hạn chế tai nạn cho trẻ em xảy ra, người lớn cần quan tâm, thường xuyên theo sát trẻ. Ở nhà, các trang thiết bị sử dụng điện, ổ điện phải bố trí cách ly và xa tầm tay với của trẻ em; cấm trẻ em vào rừng, rú,  tắm sông, suối, bơi thuyền mà không có người lớn đi kèm, leo trèo trên các cột điện, thả diều trong khu vực có hệ thống điện lưới hoặc thả diều khi trời mưa giông; để xa và cất kín các các loại xăng, dầu, thuốc uống hoặc thuốc BVTV khỏi khu vực và tầm tay trẻ em…

Khi tai nạn xảy ra, cần bình tĩnh làm các thao tác cấp cứu. Theo các nhà chuyên môn, cấp cứu trước khi đến bệnh viện là một khâu cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt công đoạn này thì nhiều người sẽ được cứu với chi phí thấp nhất, dễ thực hiện nhất. Ngược lại, nếu làm không tốt thì chi phí sẽ tăng cao, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời.

Khi trẻ em bị ngạt nước, người sơ cứu cần bình tĩnh tìm mọi phương tiện đưa nạn nhân ra khỏi nước. Nguy cơ của ngạt nước (đuối nước) nếu không sơ cứu kịp thời sẽ bị tắc nghẽn đường thở do dị vật, nước tràn vào phổi, não bị tổn thương do ngừng tim, ngừng thở dẫn đến tử vong hoặc di chứng suốt đời. Đặt nằm nơi an toàn, khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân đã tím tái, không thở, thì phải nhanh chóng thổi ngạt và ép tim với 5 chu kỳ trong vòng 2 phút, mỗi chu kỳ gồm 30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt. Ép tim với độ sâu tương đương 1/3 bề dày lồng ngực (3 – 4 cm) từ 80-100 lần / phút. (Chú ý, với trẻ sơ sinh cần ép tim trước hà hơi thổi ngạt). Đến khi tim đập lại, nạn nhân thở đều, da hồng hào.Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, nhưng vẫn còn thở, cho nằm nằm nghiêng theo tư thế an toàn để nước từ đường thở, trong bụng chảy ra và thực hiện các bước sơ cứu trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Nếu trẻ em bị ong chích (đốt), với ong mật, dùng nhíp nhổ các vòi chích ra khỏi da sau đó rửa sạch bằng xà phòng và nước ấm, bôi dung dịch sát trùng như Povidin 10% hoặc cồn 700 lên vết đốt 2 lần/ngày. Có thể giảm đau bằng cách chườm lạnh trên vết sưng, dùng Paracetamol để giảm đau, hạ sốt. Nếu nạn nhân có dấu hiệu như mệt, mạch yếu, tay chân lạnh thì nên đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Trường hợp trẻ em bị ong vò vẽ đốt cần nhập viện ngay.

Nếu trẻ em bị điện giật, người sơ cứu không nên sờ trực tiếp vào người nạn nhân, mà cần nhanh chóng cắt nguồn điện qua cầu dao, công tắc, phích cắm điện trong trường hợp tay chân phải khô ráo. Trường hợp không cắt nguồn điện được thì phải đứng trên vật cách điện như giường, ghế bằng gỗ, dùng cây khô, cán chổi… tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nếu nạn nhân bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở, mạch tim và sơ cứu thổi ngạt, ấn tim khi cần thiết. Nếu có dấu hiệu  tình trạng sức khỏe xấu đi thì phải đưa đến trạm xá. Điều quan trọng khi sơ cứu trẻ là cần nơi sơ cứu thoáng mát về mùa nắng nóng, ấm áp về mùa đông; luôn động viên nạn nhân để giảm các cơn đau. Ngoài ra, việc cấp cứu trong 15 phút đầu được gọi là thời gian kim cương, cấp cứu trong 30 phút được gọi là thời gian vàng cần tuân thủ để bảo vệ mạng sống của nạn nhân.

 

Hòa Vang

Ý kiến bạn đọc