Multimedia Đọc Báo in

Bồ câu hầm thuốc bắc

16:28, 15/07/2011

Chim bồ câu (Columba livia domestica Gmelin) thuộc họ Bồ câu (Columbidae), tên khác là bồ câu nhà, chim câu, là loài chim nuôi rộng rãi khắp các châu lục. Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết), phân chim (cáp điểu phẩn) và trứng chim (cáp điểu noãn) cũng được dùng. Nhưng sử dụng hiệu quả nhất vẫn là chim bồ câu non (ra ràng), dưới 1 tháng tuổi.

- Thịt chim: Chứa  trên 22% protid, 1% lipid và các muối khoáng, có vị mặn, tính bình, hơi ấm, không độc, có tác dụng bổ ngũ tạng, tăng cường khí huyết, mạnh dương, trừ cam tích, kích thích tiêu hóa. Thịt chim câu rất thích hợp với thể trạng người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em dưới dạng nấu cháo rồi ăn nóng.

-  Để chữa chứng liệt dương, thiếu máu, hoa mắt hay choáng váng, lấy chim bồ câu non 1 con và chim sẻ 5 con, làm thịt, bỏ lòng ruột, cắt nhỏ, sấy khô giòn, tán bột mịn; đỗ trọng 120g sao tồn tính, tán nhỏ cùng với muối rang 4g. Trộn đều các bột, luyện với mật ong làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống hai lần, mỗi lần 15 viên với nước ấm (thuốc bổ thận tráng dương).

Người ta còn dùng chim bồ câu cùng với những dược liệu khác dưới dạng món ăn – vị thuốc khá phổ biến để bổ tỳ, tăng cường khí huyết, nhất là cho người mới ốm dậy. Cách làm: Chim bồ câu non (ra ràng) 1 con, làm thịt, bỏ ruột, chặt nhỏ; hoàng kỳ 30g, câu kỷ tử 30g, phơi khô, thái nhỏ, trộn đều, thêm nước, hấp cách thủy cho chín nhừ, thêm gia vị, rồi ăn cái, uống nước. Cứ 3 ngày ăn một lần. Dùng 3-5 lần. Để chữa đái tháo đường, lấy thịt bồ câu 1 con nấu chín với mộc nhĩ trắng 15g hoặc hoài sơn 30g và ngọc trúc 20g. Ăn cái, uống nước làm một lần trong ngày.   

Sau đây, một số bài thuốc có hiện diện của bồ câu ra ràng được sưu tầm:

1- Bồ câu ra ràng (đã làm sạch) cho vào nồi hầm với kỷ tử (10g), gừng tươi ( 1 nhánh). Sau khi chín nhừ, nêm gia vị và ăn nóng. Tác dụng bổ can thận, ích tinh huyết, chữa đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau lưng do can thận âm hư.

2- Bồ câu ra ràng cho vào nồi hầm với đông trùng hạ thảo (10 ), hoài sơn (30g), nêm gia vị. Tác dụng : Bổ tinh, mạnh gân, bồi bổ cơ thể do suy nhược, ốm yếu.

3- Bồ câu ra ràng nấu cháo với hạt sen trắng (15g), khiếm thực (15g), gạo nếp (150g), nêm thêm gia vị. Tác dụng: Bổ tỳ thận, cố tinh chỉ đới, thường dùng cho những nam giới bị di tinh, phụ nữ khí hư có màu trắng đục.

4 – Bồ câu ra ràng hầm với hoàng kỳ thật nhừ, thêm gia vị. Tác dụng: Bổ huyết điều kinh, thường dùng cho phụ nữ thống kinh, trước kỳ kinh 3 ngày nên dùng liên tục trong 5 ngày.

5 – Bồ câu ra ràng hầm với đương quy (20g), hoài sơn (20g), hạt sen (50g). Cách làm: các vị thuốc rửa sạch rồi cho vào bụng bồ câu đã làm sạch, khâu kín. Tất cả đem hầm thật nhừ, chế đủ gia vị. Tác dụng: Bổ can thận, ích khí huyết, thường dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, phụ nữ sau khi sinh, người mới ốm dậy…

Món phổ thông nhất là chim bồ câu ra ràng  để cả con hầm với đậu xanh hoặc đậu đen, nêm gia vị, ăn nóng sẽ bồi bổ cơ thể, chữa đau lưng, mỏi gối, thận suy…,  rất tốt cho mọi lứa tuổi.

Kết quả nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng học cho thấy, thịt bồ câu ra ràng có tác dụng phòng chống mệt mỏi, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật. Tuy nhiên, do món này nhiều đạm, chỉ nên ăn mỗi tuần 3 lần.

Mỹ Nữ

Ý kiến bạn đọc