Multimedia Đọc Báo in

Không để thiếu thuốc phòng và điều trị bệnh tay - chân - miệng

17:49, 23/07/2011

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến ngày 21-7, dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) đã được ghi nhận ở 47 tỉnh thành trong cả nước, với số ca mắc từ đầu năm tới nay lên tới gần 20.000 trường hợp, trong đó có 56 ca tử vong. Đặc biệt, qua giám sát dịch tễ, trong khoảng một tháng trở lại đây dịch TCM tăng đột biến với trên 2.000 ca mắc mới được ghi nhận mỗi tuần. TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trước số trường hợp mắc và tử vong của dịch bệnh tay - chân - miệng tăng rất cao cho thấy dịch bệnh đang có những diễn biến bất thường. Bởi lẽ, trong 3 năm vừa qua, mỗi năm cả nước chỉ ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc tay - chân - miệng với khoảng trên 20 ca tử vong. Trong khi đó, số ca mắc và tử vong do TCM trong 7 tháng qua đã tăng gấp đôi so với cả năm ngoái.

Trước diễn biến phức tạp và lan rộng của dịch bệnh tay - chân - miệng, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường đã có công văn gửi sở y tế, các bệnh viện và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc, chỉ đạo về việc cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh TCM. Theo đó, Cục yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động lập dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu điều trị bệnh TCM.

Trẻ bị tay chân miệng đang điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: TL

Bên cạnh việc bảm đảm nguồn thuốc cho điều trị bệnh TCM, mới đây, Bộ Y tế còn ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM mới thay thế hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM trước đó (ban hành ngày 16-5-2008). Hướng dẫn nêu rõ, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa với nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh nên dễ gây thành dịch. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm ở hầu hết địa phương, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh là sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi trẻ chơi tập trung. Triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày; giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày với các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày; giai đoạn toàn phát kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt), phát ban dạng phỏng nước (ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông) sau đó có thể để lại vết thâm. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Ở thể lâm sàng tối cấp, bệnh diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Ở thể không điển hình thì dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hay chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.

Hiện nay, bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Vì thế, phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà (lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác); cách ly trẻ bị bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc