Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết

08:54, 24/08/2011

Cục Y tế Dự phòng và Môi trường nhận định, theo chu kỳ hằng năm, tháng 9 là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh và kéo dài cho tới tháng 11 vì mùa mưa đã bắt đầu trên phạm vi cả nước là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lan rộng. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến ngày 19-8, toàn tỉnh có 14/15 huyện, thành phố có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với tổng số 100 người; trong đó TP. Buôn Ma Thuột chiếm đến một nửa trong tổng số bệnh nhân mắc bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết do một loại siêu vi trùng (gọi tắt là siêu vi) gây nên và những siêu vi này được truyền vào người khi muỗi đốt người. Chỉ có một loại muỗi có khả năng mang siêu vi này truyền vào người là muỗi Aedes aegypty, bà con thường gọi là “muỗi vằn” vì con muỗi này có màu nâu đen, nhưng ở thân và các chân chúng lại có đốm trắng. Muỗi vằn sinh sản nhiều trong mùa mưa, thường đậu trong nhà ở nơi treo quần áo, trên tường, ở gậm giường, gậm tủ... và thường đốt người vào ban ngày.

Bệnh sốt xuất huyết là do muỗi truyền bệnh, vì vậy biện pháp phòng bệnh tốt nhất là chống muỗi. Một số biện pháp chống muỗi như:

1. Diệt muỗi: Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa, khô ráo hàng ngày, kể cả gầm giường, gầm tủ,... Hạn chế treo quần áo trên tường, nhất là những nơi thiếu ánh sáng. Nên dùng thêm thuốc xịt muỗi, nhang trừ muỗi, vợt bắt muỗi.

2. Không để muỗi sinh sản: Giữ cho sân vườn và các khu vực quanh nhà khô ráo sạch sẽ, phát quang bụi rậm, thu dọn vỏ lon, gáo dừa, lốp xe... không để chúng đọng nước. Thường xuyên lau chùi các dụng cụ chứa nước và nên nuôi cá cảnh (kiểng) để chúng ăn loăng quăng, đậy kín các dụng cụ chứa nước.

3. Chống muỗi đốt: Mọi người đều phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày và ban đêm. Khi ngồi học nhất là lúc chập choạng tối và sáng sớm, khi ra vườn nên mặc quần, áo dài, nếu cần đi cả bít tất (vớ).

Những biện pháp trên rất đơn giản và cũng rất dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Để phát hiện bệnh sốt xuất huyết tại nhà cần chú ý 2 dấu hiệu cơ bản là sốt và xuất huyết. Tuy nhiên trong hai dấu hiệu trên thì dấu hiệu sốt là cơ bản hơn vì luôn xảy ra lúc bệnh khởi phát. Dấu hiệu xuất huyết thường xảy ra sau và nhiều khi không xảy ra.

Sốt khi bị bệnh sốt xuất huyết có những đặc điểm sau:

- Sốt đột ngột, tức là sốt xảy ra bất thình lình. Ví dụ, trẻ buổi sáng vẫn ăn uống, chơi bình thường, chiều sốt.

- Sốt cao, là nóng nhiều. Khi đo thân nhiệt bằng nhiệt kế khoảng 390C hoặc cao hơn, hoặc khi lấy lòng bàn tay sờ vào trán trẻ sẽ cảm thấy lòng bàn tay nóng ran, rất nóng chứ không “hâm hấp” hay “ấm đầu” như một số bà mẹ vẫn nói.

- Sốt liên tục, là sốt liên miên suốt ngày đêm không lúc nào ngừng, nếu dùng thuốc hạ nhiệt thì nhiệt độ cơ thể cũng chỉ giảm xuống một lúc rồi lại sốt cao như trước. Sốt kéo dài từ 2-7 ngày, đồng thời có thể kèm theo đau bụng, ói mửa.

Xuất huyết là triệu chứng đa dạng, có người chảy máu cam, chảy máu chân răng; có người xuất huyết dưới da; có người lại ói mửa ra máu,... cũng có người bị sốt xuất huyết nhưng lại không có triệu chứng xuất huyết. Mặc dù xuất hiện triệu chứng xuất huyết hay không thì bị bệnh sốt xuất huyết là rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Nếu trong gia đình có người mắc các triệu chứng nói trên, cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh kịp thời nhằm phát hiện và điều trị đúng bệnh.

Hồng Vân

Ý kiến bạn đọc