Bệnh tả và biện pháp phòng bệnh
Ông bà ta thường nói: “Bệnh từ miệng mà vào”. Có một số bệnh có thể phòng ngừa được nhưng một số người do không chú ý đến việc ăn uống đảm bảo vệ sinh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Và bệnh tả là một trong những bệnh liên quan đến ăn uống.
Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm có thể lan tràn thành đại dịch và một khi thành đại dịch thì có tốc độ lây lan rất nhanh và gây tử vong cao, là bệnh nhiễm trùng đường ruột cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Vibrio Cholerae. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do thực phẩm, nước uống mang mầm bệnh; người bệnh là nguồn truyền bệnh. Vi khuẩn theo phân người bệnh thải ra môi trường gây nhiễm bẩn nguồn nước và thực phẩm. Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày, trung bình từ 2 - 3 ngày. Bệnh tùy theo mức độ nặng, nhẹ nhưng trên lâm sàng có triệu chứng: nôn và tiêu chảy - là 2 triệu chứng chủ yếu của bệnh tả. Hậu quả của nôn và tiêu chảy là mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến các dấu hiệu: mắt trũng, da khô, đái ít, chuột rút… ; đặc biệt, tiêu chảy do bệnh tả thường thấy phân có màu trắng (như nước gạo) và không bao giờ có sốt. Đối với bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn ói nhiều nên bù nước bằng dung dịch oresol, đồng thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Bệnh tả có thể phòng tránh được nếu có ý thức tốt với chính mình và với cộng đồng bằng cách: chỉ ăn thức ăn đã nấu chín kỹ, uống nước đã được đun sôi. Tuyệt đối không ăn rau sống, hải sản tươi sống, tiết canh, uống nước đá...; trái cây phải ngâm nước muối, gọt sạch vỏ trước khi ăn. Bảo quản thực phẩm kỹ càng. Thường xuyên rửa các dụng cụ để nấu nướng, ăn uống và ngâm chúng trong nước sôi. Để thực phẩm xa nơi có ruồi và bụi bẩn. Người tiêu dùng nên chọn sản phẩm tin cậy được y tế chứng nhận. Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cách ly người bệnh là một biện pháp cần thiết để hạn chế lây lan, phát triển thành dịch bệnh. Quần áo bệnh nhân và các vật dụng khác như chén đĩa... phải được luộc nước sôi 15 phút trước khi giặt giũ hoặc đem rửa. Phòng bệnh nhân và nhà vệ sinh cần được tẩy uế với dung dịch cloramin 3% hoặc cresyl 5%; người trực tiếp nuôi bệnh phải đeo găng tay và khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc làm vệ sinh. Ngoài ra, nên có biện pháp diệt ruồi, gián…. và có thể dùng vắc-xin tả để phòng bệnh.
Ý kiến bạn đọc