Multimedia Đọc Báo in

Sức khỏe tâm thần

10:33, 28/09/2011

Bệnh tâm thần là bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên, tạo thành những biến đổi bất thường trong ý nghĩ, cảm xúc, hành vi và tác phong của người bệnh.

Trong cuộc sống, khi nói về sức khỏe tâm thần người ta thường nghĩ đến sức khỏe của người bị điên. Quan niệm trên là chưa đúng, bệnh tâm thần có đến 300 loại khác nhau, từ những rối nhiễm tâm lý nhẹ cho đến những triệu chứng tâm thần nặng. Nó không “kiêng nể” ai và có thể rơi vào mọi đối tượng, từ học sinh, giáo viên, y - bác sĩ, công chức, doanh nhân, quân nhân…

Ở Việt Nam, qua khảo sát của Viện sức khỏe Tâm thần Trung ương và Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần chiếm khoảng 15% dân số, chủ yếu là các bệnh tâm thần phân liệt, lo âu, trầm cảm, sa sút trí tuệ...

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh như công việc căng thẳng, gặp cú sốc lớn về tinh thần, lạm dụng rượu bia...

Biểu hiện của bệnh tâm thần?

Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, từ các triệu chứng nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh đến các triệu chứng loạn thần. Giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, đau tức ngực, khó thở, đau mỏi người, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung, trễ nải trong học tập và công việc. Một số bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân. Về sau là biểu hiện các triệu chứng loạn thần như ảo giác, nghe tiếng nói mà xung quanh không có ai, lời nói đó có thể khen, chê hoặc mệnh lệnh cho bệnh nhân hoặc bệnh nhân nhìn thấy nhiều người đuổi theo, nhìn thấy thú dữ nhưng thực tế không có...

Hoang tưởng là những ý tưởng, quan niệm sai lầm, phi lý mà người bệnh cho là đúng, không thể giải thích căn nguyên được, chỉ khi nào bệnh thuyên giảm thì họ mới nhận ra được.

Trong cuộc sống chúng ta thấy những người bị rối loạn tâm thần nhẹ thường không nhận mình bị bệnh, hoặc sợ rằng mình vào bệnh viện tâm thần bác sĩ sẽ giữ lại, ở với những người bị điên mình cũng điên theo hoặc là họ sợ dư luận xã hội, nói mình bị điên... Xưa kia người bị bệnh tâm thần không được xem như người bệnh, cho rằng bị ma tà, bị hắt hủi, đánh đập, không được quan tâm, chữa trị, chăm sóc khiến người bệnh càng trở nên sa sút, đi lang thang.

Theo bác sĩ CKI. Trần Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Trong cộng đồng chủ yếu quan tâm đến tâm thần phân liệt nhưng rối loại giấc ngủ cũng là một bệnh tâm thần (không ngủ được, mất ngủ kéo dài). Bệnh không dám yêu ai, chỉ yêu trong mộng có những lệch lạc về mặt tình cảm; bệnh nghiện game… người ta không cho đó là bệnh lý mà nghĩ rằng đó là những biểu hiện bình thường nên không cần đi khám. Chỉ khi có những biểu hiện nặng như bỏ ăn kéo dài, trầm cảm kéo dài, tự kỷ có ý định tự sát… mới vào bệnh viện; thậm chí có người bị bệnh nhưng họ cũng không thừa nhận mình bị bệnh.

Ngày nay với tiến bộ của khoa học, người bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa trị khỏi hoặc thuyên giảm nhiều, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường trong gia đình và xã hội.

Khi thấy bản thân hoặc người thân có những rối loạn tâm thần nhẹ như lo âu, trầm cảm đến những biểu hiện rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ, thì nên gạt bỏ mặc cảm, tự ti, đưa người thân đến các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần để được điều trị bằng nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý và vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí...

Việc phát hiện bệnh tâm thần đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện, bệnh không những khó điều trị mà có khi không thể điều trị khỏi được. Phát hiện bệnh sớm và phòng bệnh là biện pháp nhằm làm giảm sự gia tăng của các bệnh tâm thần trong xã hội hiện đại.

Bên cạnh đó, cần phòng chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như: phòng chống các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não và các bệnh nhiễm độc thần kinh như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông đề phòng chấn thương sọ não. Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý. Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn giữa cha mẹ hoặc anh chị em, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng. Trong cơ quan, đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau. Đối với những người bị thất vọng, đau khổ cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mức giúp họ tìm được lối thoát.

Đối với bệnh tâm thần, nguyên nhân chưa rõ, không thể đề phòng tuyệt đối được thì chủ yếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị và phục hồi chức năng, hạn chế tái phát và tiến triển xấu, sa sút tâm thần.

Hồng Vân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.