Multimedia Đọc Báo in

Tiêm chủng cho trẻ

10:12, 07/09/2011

Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả được thực hiện bằng cách đưa vắc xin vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh cho cơ thể.  Tiêm chủng giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ, giúp cơ thể trẻ chống lại các vi trùng, vi rút gây bệnh. Trẻ em không được tiêm chủng có thể sẽ bị ốm, tàn phế suốt đời, suy dinh dưỡng và tử vong.

Tại nước ta, hiện nay tất cả trẻ nhỏ đều được tiêm chủng miễn phí bởi chương trình quốc gia Tiêm chủng mở rộng. Có 8 loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ được tiêm miễn phí trong chương trình quốc gia Tiêm chủng mở rộng là: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, viêm gan siêu vi B, bại liệt, sởi. Hiện cũng đã có loại vắc xin “5 trong 1”. Đây là loại vắc xin chỉ tiêm một mũi nhưng phòng được 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm nàng não mủ. Thay vì tiêm tới 9 mũi nếu tiêm các loại vắc xin đơn lẻ, vắc xin “5 trong 1” chỉ cần tiêm 3 mũi: Mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2 khi trẻ 3 tháng tuổi và mũi 3 khi trẻ đủ 4 tháng tuổi. Trẻ cần được tiêm chủng sớm ngay sau khi sinh và tiêm đầy đủ số lần cần thiết, nếu không vắc xin sẽ không có tác dụng. Vắc xin có hiệu quả sớm nhất nếu tiêm đúng lịch. Vì vậy cần phải tiêm chủng cho trẻ sớm, đủ liều và đúng lịch. Vì lý do gì đó mà trẻ không được tiêm đầy đủ và đúng lịch, phải tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt. Để tiêm chủng cho trẻ, phụ huynh nên đưa con đến trạm y tế xã, phường hoặc Trung tâm Y tế dự phòng.

Sau khi tiêm chủng trẻ thường có các biểu hiện:

- Đau tại chỗ tiêm: Cảm giác đau thường kéo dài một vài giờ tới một ngày, có thể làm trẻ nhỏ quấy khóc. Điều này là bình thường và sẽ khỏi nhanh trong một vài ngày. Sau khi tiêm phòng bệnh lao, tại vết tiêm mưng mủ, loét và để lại sẹo. Đây là phản ứng tốt không cần phải xử trí gì, chứng tỏ vắc xin đã có tác dụng.

- Phản ứng toàn thân: Sốt là phản ứng hay gặp nhất. Sau khi tiêm chủng một vài giờ hoặc một vài ngày, trẻ có thể bị sốt. Sốt xảy ra khi tiêm phòng bệnh thương hàn, ho gà, uốn ván. Cũng có trường hợp sau khi tiêm từ 5-12 ngày trẻ mới bị sốt, chứng sốt muộn này có thể do tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh quai bị. Trẻ sẽ hết sốt trong vòng 1 đến 2 ngày và thường tự khỏi. Nếu trẻ sốt cao thì chườm mát và uống thuốc paracetamol hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.

Phản ứng ngoài da: Ban mề đay, ngứa toàn thân, có thể bị từ 3 đến 6 ngày. Ban thường kèm theo sốt nhẹ, lúc này không cần dùng thuốc.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp không nên tiêm chủng vì việc tiêm chủng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm. Những trường hợp này được coi là chống chỉ định của việc tiêm chủng, như: chống chỉ định tạm thời (trẻ sốt; trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: viêm phổi, thương hàn, sởi… và đang trong thời kỳ hồi sức; đang bị viêm da hoặc bệnh chàm ngoài da); chống chỉ định lâu dài (lao, tràn dịch màng phổi, viêm thận mạn tính); một số chống chỉ định đặc biệt: không tiêm phòng bệnh lao đối với trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân, trẻ bị bệnh bạch hầu, bị suy dinh dưỡng nặng, bệnh thận, tiểu đường… Do đó, trước khi tiêm phòng phụ huynh nên báo cho cán bộ y tế trực tiếp tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe của trẻ.

Lịch tiêm chủng cho trẻ:

- Lao (BCG): sơ sinh: 1 liều

- Viêm gan B: sơ sinh: mũi 1; 2 tháng: mũi 2; 4 tháng: mũi 3

- Bạch hầu, ho gà, uốn ván: 2 tháng: mũi 1; 3 tháng: mũi 2; 4 tháng: mũi 3

- Bại liệt, sởi: 2 tháng: mũi 1; 3 tháng: mũi 2; 4 tháng: mũi 3; 9 tháng: mũi 1; 6 tuổi: mũi 2

Hồng Vân

 


Ý kiến bạn đọc