Multimedia Đọc Báo in

Để có một chế độ ăn cân đối và đủ dinh dưỡng

10:01, 26/10/2011

Dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng và gần như quyết định hoàn toàn đối với sự phát triển về thể lực và trí tuệ của trẻ, nhất là trẻ trong giai đoạn từ 0-5 tuổi. Vì vậy, cần cung cấp cho trẻ những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng ngay từ khi trẻ nằm trong bào thai.

Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là thực phẩm của bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Trong khẩu phần có các chất sinh năng lượng là chất bột, đạm và béo. Rau và hoa quả cung cấp các vitamin, chất khoáng, xơ. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới tính và tình trạng sinh lý.

Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng được cân đối hợp lý. Khẩu phần năng lượng từ chất bột chiếm 65-70%, chất đạm 12-14%, chất béo 18-20%. Bên cạnh việc cân đối về các chất sinh năng lượng còn phải bảo đảm cân đối về nguồn thức ăn động vật và thực vật. Trong thành phần chất đạm thì đạm động vật chiếm 35-40% và có đủ các acid amin cân đối. Chất béo động vật chiếm 50-60%, chất béo thực vật chiếm 40- 50% so với tổng số chất béo.

Muốn bảo đảm bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và cân đối cần sử dụng phối hợp nguồn động vật và nguồn thực vật. Ví dụ không chỉ ăn thịt, cá mà còn ăn cả đậu phụ, vừng, lạc, rau và hoa quả. Bác Sĩ Bùi Thị Tâm, chuyên gia dinh dưỡng Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Dinh dưỡng hợp lý trong những năm tháng đầu đời đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của một con người suốt cuộc đời bởi nếu chất lượng dinh dưỡng hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cơ thể đòi hỏi thì khi đến tuổi trưởng thành, thể chất và trí tuệ của cá thể đó đạt chuẩn về chiều cao và cân nặng. Ngược lại, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý, thiếu chất, khi đến tuổi trưởng thành, chiều cao và cân nặng sẽ bị hạn chế, trong đó hậu quả có thể là suy dinh dưỡng thể thấp còi hoặc suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, béo phì…

Đối với trẻ nhỏ, để biết trẻ có được nuôi dưỡng đúng không cần theo dõi cân nặng. Bởi trong những năm đầu, nhất là năm đầu tiên cơ thể trẻ phát triển rất nhanh. Trẻ 6 tháng tuổi sẽ cân nặng gấp 2 lần so với khi mới sinh và sẽ gấp 3 lần khi trẻ được 12 tháng tuổi. Hãy cân trẻ hằng tháng vào một ngày nhất định. Mỗi lần cân, nên lấy bút chấm lên biểu đồ một điểm (tương ứng với số tháng tuổi và số cân của trẻ trong tháng đó); nối dần các điểm này lại, sẽ được đường biểu diễn cân nặng của trẻ (hay con đường sức khỏe). Đường biểu diễn đi lên, tức trẻ tăng cân đều đặn, chứng tỏ trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, nếu đường biểu diễn đi xuống là trẻ bị sụt cân (giảm cân), sức khỏe của trẻ có vấn đề cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám bệnh, tư vấn để có biện pháp xử trí kịp thời. Trong 2 tháng liền mà trẻ không tăng cân, nghĩa là sự phát triển của trẻ đang bị ngừng lại. Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hay ít tùy thuộc vào nuôi dưỡng và bệnh tật của trẻ. Nguyên nhân làm trẻ không tăng cân có thể là: Ăn chưa đầy đủ, thiếu chất, bú mẹ không đủ, ăn ít bữa, thức ăn của trẻ nghèo dinh dưỡng…; ăn tốt nhưng chơi đùa quá sức tiêu hao năng lượng nhiều, cần cho trẻ ăn thêm; trẻ bị mắc một bệnh nào đấy nhưng chưa nhận thấy. Tuy nhiên, trẻ tăng cân quá nhanh, tăng cân cao hơn so với chuẩn quy định thì cũng không tốt, đó là dấu hiệu trẻ có thể sẽ bị béo phì.

Mỗi gia đình nên cải thiện chất lượng bữa ăn gia đình, tăng thêm dinh dưỡng cho các con bằng cách tận dụng nguồn thực phẩm có sẵn do mình làm ra như: nuôi gà để lấy trứng, lấy thịt, nuôi cá để lấy thịt, trồng rau, củ, trái cây trong vườn… để nâng cao chất lượng bữa ăn cho chính gia đình mình.

Sau đây là chế độ dinh dưỡng cho từng thời kỳ phát triển của trẻ.
*Trẻ từ 6-10 tháng tuổi:
-Ở lứa tuổi này sữa vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chính, mỗi ngày nên cho trẻ bú khoảng 500-600ml sữa (trong đó có thể bao gồm sữa mẹ, sữa ngoài, sữa chua, tập cho trẻ ăn phô mai, váng sữa...).
-2-3 bữa bột bao gồm đủ 4 nhóm chất: chất bột (gạo, đỗ...), chất đạm ăn cả cái (thịt, cá, trứng, tôm, cua...), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật), vitamin và chất khoáng (các loại rau xanh, hoa quả). Trong đó lượng thực phẩm trong một bữa bột là: 20-25g bột, 20-30g chất đạm, 10-15g rau xanh, 10g dầu ăn.
-1-2 bữa hoa quả chín hoặc nước hoa quả.

*Trẻ từ 10-12 tháng tuổi:
-3-4 bữa chính có thể là bột hoặc cháo nhưng phải đủ 4 nhóm chất bao gồm: chất bột, chất đạm ăn cả cái, chất béo, vitamin và chất khoáng. Trong đó lượng thực phẩm trong một bữa bột cho trẻ là: 20-25g bột, 30-40g chất đạm (thịt, cá, tôm, cua…), 10-15g rau xanh, 10g dầu ăn.
-2-3 bữa phụ bao gồm: sữa, sữa chua, súp, bún, phở, bánh ngọt...thay đổi. Lứa tuổi này nguồn cung cấp năng lượng từ sữa vẫn rất quan trọng, mỗi ngày nên cho trẻ bú khoảng 600-800ml sữa (có thể gồm sữa mẹ, sữa ngoài, sữa chua...).
1-2 bữa hoa quả chín hoặc nước hoa quả. 

*Trẻ từ 1- 2 tuổi:
-3-4 bữa chính có thể là cháo hoặc súp nhưng phải đủ 4 nhóm chất. Trong đó, thực phẩm trong một ngày cho trẻ là: 100-150g gạo, 100-120g chất đạm (thịt, cá, tôm… và 3-4 quả trứng mỗi tuần), 50-100g rau xanh, 30-40g dầu ăn hoặc mỡ.
-Lứa tuổi này nguồn cung cấp năng lượng từ sữa vẫn rất quan trọng, mỗi ngày nên cho trẻ bú khoảng 600-800ml sữa (trong đó bao gồm có thể có sữa mẹ, sữa ngoài, sữa tươi, sữa chua, phô mai...).
-Hoa quả chín hoặc nước hoa quả sau mỗi bữa ăn theo nhu cầu của trẻ.

*Trẻ từ 2-3 tuổi:
-2-3 bữa cơm nát nhưng phải đủ 4 nhóm chất bao gồm: chất bột (gạo, đỗ, mỳ...), chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng...), chất béo (dầu ăn, mỡ), vitamin và chất khoáng.
Lưu ý nhóm chất béo cần được cung cấp đủ cho tất cả các lứa tuổi, việc thiếu chất béo cũng dẫn tới việc hấp thu một số các vitamin (A, D, E, K) bị hạn chế, vì đó là các vitamin tan trong dầu.

Hồng Vân - Hương Xuân

Ý kiến bạn đọc