Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về bệnh trĩ

15:24, 12/10/2011

Trĩ là tình trạng giãn quá mức của các tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng. Bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, với tỷ lệ bệnh nhân chiếm khoảng 20-45% dân số, thường gặp ở nam giới nhiều hơn. Bệnh trĩ tuy không đe dọa tính mạng nhưng nếu không biết quan tâm phòng ngừa, chữa trị sớm và đúng cách, có thể gây nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm giảm sút chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, tuy nhiên có những yếu tố được coi là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:

Táo bón kinh niên: Những bệnh nhân này mỗi khi đi cầu rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp nhiều lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.

Hội chứng lỵ: Những bệnh nhân bị bệnh lỵ mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.

Tăng áp lực ổ bụng: Những bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, những bệnh nhân giãn phế quản, phải ho nhiều, những người làm lao động nặng thường xuyên như khuân vác, gánh nặng... làm tăng áp lực trong ổ bụng.

Những người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may…
Với phụ nữ có thai, khi thai to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.

Ở giai đoạn đầu do không có biểu hiện gì nên người bệnh cũng không biết để đi khám. Tuy nhiên, triệu chứng chính của bệnh là chảy máu và sa búi trĩ. Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất, chiếm 94% các trường hợp bị trĩ. Lúc đầu chảy máu rất ít, xuất hiện khi bị táo bón. Về sau mỗi khi đi cầu phải rặn nhiều do táo bón thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đi cầu, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy. Đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục. Sa búi trĩ: thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu, lúc đầu sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào được. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần và không tự tụt vào sau khi đi cầu nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn.

Ngoài 2 triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Thông thường trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn… Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy hậu môn lúc nào cũng có cảm giác ướt và ngứa.

Có những bệnh khác cũng gây chảy máu ở vùng hậu môn trực tràng giống như bệnh trĩ: U bướu hậu môn trực tràng và vùng chung quanh như ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, viêm loét đại trực tràng chảy máu. Vì vậy, khi xuất hiện chảy máu ở vùng hậu môn trực tràng tự cho rằng bị bệnh trĩ hoặc ngại không đi khám, làm phát hiện bệnh muộn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh trĩ càng điều trị sớm càng có hiệu quả cao. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, nếu phát hiện sớm có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và làm việc mà không cần phải dùng thuốc. Trước đây có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ như điều trị nội khoa dùng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống, điều trị ngoại khoa thắt vòng cao su, tiêm xơ búi trĩ hoặc phẫu thuật cắt trĩ bằng máy Laser CO2… Hiện nay, tại  Bệnh viện đa khoa tỉnh đã áp dụng cắt trĩ bằng phương pháp Longo ít đau hơn và bệnh nhân có thể đi lại bình thường, tự phục vụ bản thân trong ngày. Thời gian xuất viện khoảng 10 giờ đến 24 giờ sau mổ và có thực hiện chi trả theo chế độ bảo hiểm.

Để phòng bệnh trĩ cần có chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước, hạn chế dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá… Tạo thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày. Hạn chế đứng lâu hoặc ngồi lâu một chỗ và làm việc quá sức. Không để bị táo bón, hạn chế rặn nhiều khi đi cầu. Tập thể dục thường xuyên.

Hồng Vân

Ý kiến bạn đọc