Multimedia Đọc Báo in

Số người mắc bệnh tay, chân, miệng vẫn ở mức cao

15:48, 11/10/2011

Ngày 10-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong tuần thứ 40 kể từ đầu năm 2011, số trường hợp mắc tay, chân, miệng (TCM) vẫn ở mức cao với 2.124 trường hợp mắc bệnh tại 47 địa phương, trong đó có ba trường hợp tử vong ở Tây Ninh, Cà Mau và Kiên Giang.

Như vậy, năm 2011 là năm có số ca mắc và tử vong do bệnh TCM cao nhất từ trước đến nay với số trường hợp mắc bệnh đến thời điểm này là trên 66.000 ca tại 61 địa phương, trong đó có 119 trường hợp tử vong tại 25 tỉnh, thành phố. Hiện đã có 8 người lớn được phát hiện mang vi rút bệnh TCM, đều ở các tỉnh phía Nam. Người lớn mang vi rút không có những biểu hiện đặc trưng của bệnh TCM mà chỉ có những triệu chứng về hô hấp và tim mạch, khiến bệnh khó được phát hiện, dễ lây lan và khó kiểm soát. Theo các chuyên gia, mặc dù không ở mức độ nguy hiểm như trẻ em nhưng người lớn cũng không nên chủ quan với việc mắc bệnh TCM, nhất là khi dịch bệnh được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển, dù số ca mắc mới xảy ra hằng tuần không tăng nhưng vẫn duy trì ở mức cao như nhiều tuần trước đây. Bệnh TCM do nhiều vi rút thuộc nhóm vi rút đường ruột gây ra, lây lan rất phức tạp qua đường tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các chất tiết mũi, miệng, nước bọt, nước mụn phỏng vỡ, phân của trẻ bệnh, trẻ khỏi bệnh mang vi rút, trẻ lành và người lớn khỏe mạnh có mang vi rút. Ngay cả biện pháp phòng bệnh cũng không đặc hiệu mà chỉ là vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay của cả người lớn chăm sóc trẻ và trẻ em. Trong khi đó việc kiểm soát, vệ sinh bàn tay đối với trẻ rất khó vì trẻ chưa ý thức được điều này mà phải do người lớn. Vì thế bệnh rất khó kiểm soát.

Làm sạch khu vực vui chơi của trẻ bằng hóa chất khử khuẩn là biện pháp phòng tránh bệnh TCM lây lan trong trường Mầm non. Ảnh: K.O

Ông Hiển cũng cho biết thêm, TCM là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, chưa phải là dịch đặc biệt nguy hiểm như cúm A/H5N1, SARS... Nếu so sánh với các bệnh nhóm A, tỷ lệ tử vong/mắc cũng không phải là cao. Đa số ca bệnh ở thể nhẹ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nặng, chủng vi rút này đã lưu hành nhiều năm qua chứ không phải là bệnh mới. Hiện nay, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước chứ không riêng gì Việt Nam. Đối tượng mắc ở các nước cũng rơi vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có miễn dịch kém. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về vi rút học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy 58% bệnh nhân TCM dương tính với các vi rút đường ruột. Trong số đó, 33% dương tính với vi rút EV71. Phân tích sâu đặc điểm di truyền phân tử của vi rút EV71 cho thấy chủ yếu là phân nhóm C4, là chủng virút đã lưu hành trong những năm trước ở nước ta và không phát hiện có sự thay đổi của vi rút EV71. Nhận định này cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới là vi rút EV71 có thể gây bệnh nặng hơn so với các vi rút khác. Tuy nhiên, không có bằng chứng thuyết phục về sự biến chủng của vi rút EV71 có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây tử vong... Chỉ có điều năm nay bệnh cảnh lâm sàng có vẻ nặng hơn, nhiều trường hợp bệnh diễn tiến rất nhanh.

Mặc dù số ca mắc bệnh TCM trên cả nước luôn duy trì ở mức cao, tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa công bố dịch TCM. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ giữa tháng 9 đến nay, số người nhiễm bệnh luôn dao động từ 2.000 đến 2.500 ca. Trong tuần qua, ngoài những địa phương phía Nam duy trì số ca mắc bệnh TCM ở mức cao như Đồng Tháp, TPHCM, Đồng Nai… thì tại miền Bắc số ca bệnh cũng tăng nhanh ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình. Trước sự tăng nhanh của bệnh TCM, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam Phạm Song đề nghị các địa phương nên cân nhắc việc công bố dịch TCM. Bởi dịch là sự xuất hiện nhiều bệnh nhân trong một cộng đồng hay một vùng với tần số mắc vượt quá dự tính bình thường.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc